Vụ trường Lê Quý Đôn "thua" ngân hàng: Ngừng thi công, chờ ý kiến lãnh đạo thành phố

Như đã thông tin, liên quan đến việc cấp phép cho ngân hàng xây dựng trụ sở ở khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), dư luận khẳng định việc cấp phép này không sai pháp luật. Tuy nhiên, việc này dù là hợp pháp nhưng không phù hợp với lợi ích chung thì cũng cần phải xem xét lại. Hơn nữa, về khách quan, Trường Lê Quý Đôn với lịch sử trên 130 năm xứng đáng được bảo tồn di tích, cảnh quan kiến trúc...

Sau những thông tin báo chí nêu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã chỉ đạo tạm ngừng thi công trụ sở ngân hàng và ngày 9-4 đã có văn bản báo cáo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân về việc xử lý khu nhà này. Ông Nguyễn Thành Tài (ảnh) cũng trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc trên.

Nhận được thông tin này công luận hoan nghênh tinh thần cởi mở đối thoại của lãnh đạo TP và hy vọng rằng với sự quan tâm, cân nhắc của các vị lãnh đạo, TP sẽ lưu giữ được sự toàn vẹn cho ngôi trường cổ kính này như Hà Nội đã từng làm với Công viên Thống Nhất.

Vụ trường Lê Quý Đôn "thua" ngân hàng: Ngừng thi công, chờ ý kiến lãnh đạo thành phố ảnh 1

Đội thi công đã tạm ngưng phá bê tông trên khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai trong khuôn viên trường Lê Quý Đôn. Ảnh: HTD

Không phải cho xây rồi mai mốt đập

.Phóng viên:Ông đã khẳng định về mặt pháp lý, việc cấp phép xây dựng cho ngân hàng tại địa điểm 112 Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK) là không sai. Thế nhưng mới đây, cũng chính TP lại chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công. Phải chăng lãnh đạo TP có sự nhìn nhận lại?

Vụ trường Lê Quý Đôn "thua" ngân hàng: Ngừng thi công, chờ ý kiến lãnh đạo thành phố ảnh 2
+ Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCMNguyễn Thành Tài:Tôi vẫn khẳng định, pháp lý về quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương là đúng. Tuy nhiên, dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vì thế, trên tinh thần cầu thị và thận trọng, TP yêu cầu phía ngân hàng tạm ngừng thi công và sẽ báo cáo Thành ủy, chủ tịch UBND TP để có ý kiến chỉ đạo.

. Nếu TP cho ngân hàng xây trụ sở để sử dụng, khi nào mở rộng Trường Lê Quý Đôn sẽ thu hồi lại thì ông có nghĩ là gây khó khăn thêm cho công tác bồi thường và lãng phí lớn khi trụ sở mới vừa xây lại phải đập?

+ Có một số chi tiết trong dư luận chưa chính xác, cần minh định lại. Thứ nhất, TP không cho ngân hàng xây cao ốc mà chỉ là trụ sở văn phòng làm việc với bốn tầng cao, mái ngói đổ về bốn phía, hình khối kiến trúc vật liệu, màu sắc hài hòa với không gian chung của khu vực trường. Thứ hai, sẽ không có câu chuyện tòa nhà này sẽ bị đập bỏ khi mở rộng trường mà sẽ dành để phục vụ cho trường vì mở rộng trường thì cũng cần phải mở mang phòng học. Khi đó chỉ cần chỉnh trang tòa nhà một chút do cơ bản kiến trúc đã hài hòa với cảnh quan trường. Trong cuộc họp với các sở, ngành vào ngày 30-3, TP đã kết luận như trên.

Tìm đất để hoán đổi: Khó

. Vậy còn phương án hoán đổi đất cho ngân hàng ở một vị trí khác để bảo toàn nguyên vẹn cả ô phố? Vì sao TP không lựa chọn phương án này dù Sở Quy hoạch Kiến trúc đã trình?

+ Cần nói thêm một chút về nguồn gốc khu đất 112 NTMK của ngân hàng. Năm 1989, Ngân hàng Công thương VN đã hoán đổi trụ sở cũ của mình với diện tích đất 794 m2 đất tại 35-37 Pasteur để làm trụ sở Ngân hàng Phát triển nhà của TP. Khu đất 112 NTMK được Sở Nhà đất TP xác định là tài sản cố định của ngân hàng từ năm đó.

Đến năm 2007, theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại QĐ 09 của Thủ tướng được Bộ Tài chính phê duyệt và Ban Chỉ đạo 09 - Sở Tài chính thỏa thuận, ngân hàng được tiếp tục sử dụng vào mục đích văn phòng làm việc của tổ xe và garage ôtô. Năm 2009, Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng với thời hạn thuê đất là 50 năm, mục đích sử dụng là đất sản xuất kinh doanh.

Như vậy, khu đất 112 NTMK là tài sản hợp pháp của ngân hàng. Nếu muốn hoán đổi thì phải tìm một khu đất có diện tích, vị trí tương đồng cho họ, không thể đẩy họ đi xa. Trong báo cáo Thành ủy và chủ tịch UBND TP, tôi cũng đề xuất phương án này nếu không chấp nhận cho ngân hàng xây tại địa điểm 112 NTMK. Nhưng cũng nói thẳng, e là khó có thể tìm được khu đất nào như vậy tại quận 1, quận 3 để hoán đổi.

. Vậy bảo tồn cảnh quan kiến trúc, mở rộng một ngôi trường truyền thống nổi tiếng thì phải chịu xếp thứ nhì trong thứ tự ưu tiên?

+ Khi chỉ có một đồng vốn trong tay, người ta không thể đạt được mọi mong muốn: đẹp, tốt, rẻ... mà phải chấp nhận có tiến độ. Ngoài ra, bảo tồn, theo tôi cũng có nhiều cách. Không phải bảo tồn chỉ có nghĩa là để nguyên, không được xây mới, xây mới nếu hài hòa và đẹp cũng là một giải pháp.

. Cảm ơn ông.

"Tuy đã có chủ trương mở rộng khuôn viên trường nhưng các ngành chức năng liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận 3 cho đến nay vẫn chưa hoàn tất công việc chuẩn bị đầu tư, phương án đền bù giải tỏa theo giá thị trường. Do đó, kế hoạch và chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa được bố trí vốn trong năm 2011."

(Trích báo cáo của UBND TP.HCM ngày 9-4 về xử lý khu nhà đất 112 NTMK)

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm