Lâm tặc tàn sát rừng phòng hộ Sông Lũy

Giữa tháng 11-2014, các trùm gỗ lậu truyền tai hai trùm gỗ lậu ở Đức Trọng (Lâm Đồng) vừa tổ chức “chiến dịch cá mập” cực lớn vào đỉnh Sa Mai thuộc rừng phòng hộ Sông Lũy, Bắc Bình (Bình Thuận) triệt hạ gỗ.

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi giật mình vì quy mô phá rừng ở đây: lâm tặc đã dựng lán trại, mở hẳn một con đường hơn 5 km đưa cơ giới vào vận chuyển hàng trăm mét khối gỗ nhưng các chốt, trạm bảo vệ rừng đều không hay biết!

“Chiến dịch cá mập”

Theo giới buôn lậu gỗ, từ ngày 31-12-2014, Bộ Công Thương sẽ ngưng toàn bộ việc tạm nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia vào Việt Nam. Giới buôn gỗ nhận định: Sau thời điểm này các loại gỗ từ rừng tự nhiên sẽ tăng giá nên các trùm gỗ lậu mở “chiến dịch cá mập” đánh vào đỉnh Sa Mai (cao gần 1.000 m so với mực nước biển) của rừng phòng hộ Sông Lũy.

Theo các nguồn tin, bốn nhóm lâm tặc trang bị máy cưa, lương thực, thực phẩm đã đổ bộ vào Sông Dú. Một nhóm lâm tặc khác phát cây, lăn đá... mở đường từ đỉnh Sa Mai xuống Sông Dú dài khoảng 5 km để vận chuyển gỗ và có ít nhất 100 m3 gỗ bằng lăng được vận chuyển trót lọt từ đỉnh Sa Mai ra khỏi cửa rừng dù phải qua ba chốt bảo vệ rừng!

Lâm tặc dùng loại xe “độ”, cải tiến từ ô tô Ifa. Sau khi cải tiến, dù bùn lầy ngập gần hết bánh, xe vẫn bò tốt. Dù mệnh danh là xe “trâu bò” nhưng tiếng pô xe lại êm ru như Camry, BWM. Riêng tại Ninh Loan có hơn 30 chiếc xe này với giá khoảng nửa tỉ đồng/chiếc và mỗi chuyến xe chở được 7 m3 gỗ.

1. Gỗ bằng lăng đã xẻ thành hộp vương vãi tại hiện trường. Ảnh: P.NAM

2. Một ngọn đồi bằng lăng bị hạ trắng. Ảnh: P.NAM

3. Toàn bộ 70 hộp gỗ tại tiểu khu 73A đã bị hủy hoại. Ảnh: P.NAM

Rừng xanh tan hoang

Nhờ K’Mang, một thanh niên người dân tộc K’ho và một người dẫn đường khác chúng tôi chuẩn bị lương thực, thực phẩm cùng 10 lít xăng, dùng xe máy băng rừng.

Để đến được khu vực rừng Sông Dú thuộc tiểu khu 73A, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, chúng tôi phải vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng. Đến tiểu khu 73A cạnh một con suối, chúng tôi phát hiện có 11 gốc bằng lăng, hai gốc sến đường kính khoảng nửa mét đã bị lâm tặc lấy đi phần gỗ. Lần theo các dấu bánh xích xe còn in trên đường chúng tôi tiếp cận một ngọn đồi nhỏ. Trước mắt chúng tôi cả một vạt rừng lớn đã bị triệt hạ chỉ còn gốc và cành ngọn, gỗ đã bị đưa ra khỏi hiện trường. Cạnh đó là con đường rừng mới mở hướng về đỉnh Sa Mai in hằn nhiều dấu bánh ô tô chồng lên nhau.

K’Mang giải thích: Đây là rừng bằng lăng tía rất quý. Trước đây ở chỗ này bằng lăng mọc thẳng đứng san sát nhau như mía, bây giờ chẳng còn gì.

Cách vạt rừng bằng lăng khoảng 100 m đường chim bay, một cảnh tượng còn thê thảm hơn: Cả trăm cây bằng lăng có đường kính 50-70 cm, thậm chí cả mét chỉ còn trơ gốc. Có khoảng 70 hộp gỗ đã xẻ nằm lăn lóc khắp nơi tại hiện trường mà lâm tặc chưa kịp vận chuyển đi. Cách khu vực này khoảng vài chục mét là một lán trại dựng vội. Bên trong chỉ còn một bếp củi vương vãi bao bì mì tôm, vỏ lon bò húc. Theo K’Mang, căn cứ nhựa cây và cành lá chưa khô thì khu vực rừng này mới bị lâm tặc triệt hạ khoảng hai tuần nay.

Xem clip rừng xanh bị chặt phá tan hoang

Hủy tang vật

Có một điều khá lạ mà chúng tôi không thể lý giải nổi là toàn bộ số gỗ hộp đã xẻ để tại hiện trường lại có nhiều vết cắt rất mới so với dấu cưa triệt hạ và xẻ gỗ.

Cụ thể, khoảng 70 hộp gỗ đã bị ai đó dùng cưa máy cắt thành ba đoạn gần đứt. K’Mang lý giải: Một hộp gỗ đã xẻ dài 2,2 m, đường kính 40 cm có giá vài triệu đồng. Nếu cắt gỗ làm ba phần như số gỗ tại hiện trường, chẳng ai thèm mua. Trên các gốc cây và toàn bộ số gỗ hộp bị cắt phá đều có ghi số hiệu bằng sơn trắng rất mới, chứng tỏ lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện và đánh dấu.

S., một lâm tặc ở Ninh Loan, cho biết: Đang “động rừng” (bảo vệ rừng, kiểm lâm phát hiện) nên lâm tặc ở Ninh Loan không dám quay lại hiện trường để bốc gỗ. Về những hộp gỗ bị cắt làm ba ở hiện trường, S. khẳng định: Do lực lượng bảo vệ rừng ở Sông Lũy thực hiện để triệt đường tẩu tán gỗ của lâm tặc.

Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cho biết khi phát hiện phá rừng hoặc bãi gỗ tập kết, nhân viên bảo vệ rừng phải lập biên bản rồi báo cáo ngay cho ban quản lý rừng để đơn vị cử cán bộ đến hiện trường lập lý lịch gỗ, ghi chú số hiệu kiểm tra trên gốc cây. Sau đó phải báo cáo Hạt Kiểm lâm, Sở NN&PTNT tỉnh. Việc hủy tang vật, thay đổi hiện trạng đều không được phép.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, ngày 23-11 có gần 10 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng đưa hai thợ rừng ở Lương Sơn, Bắc Bình lên hiện trường. Tại đây, hai thợ rừng đã cưa phá toàn bộ 70 hộp gỗ để ngăn lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi cửa rừng.

Điều khó hiểu là lâm tặc dựng lán trại triệt hạ gỗ, mở đường, vận chuyển gỗ nhưng bốn trạm bảo vệ rừng, một tổ cơ động, một chốt kiểm lâm cửa rừng không phát hiện dù chỉ có một đường độc đạo ra khỏi rừng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy được thành lập vào năm 2003, có nhiệm vụ quản lý 23.697 ha/35 tiểu khu đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng phòng hộ: 4.379 ha/4 tiểu khu; rừng sản xuất 19.318 ha/31 tiểu khu; nằm trên địa giới hành chính của sáu xã thuộc huyện Bắc Bình (Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Sông Bình, Sông Lũy, Bình Tân), tỉnh Bình Thuận, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng.

Khu vực rừng bằng lăng bị triệt hạ là rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trong tiểu khu 73A, là một trong bốn tiểu khu phải bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm tác động dưới mọi hình thức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm