Xây dựng giá điện do thị trường quyết định, không bù chéo

Ngày 16-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả 2 phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội”.

Giá điện do thị trường quyết định

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh QH

Báo cáo kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội” - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UBKT cho biết cơ chế giá điện hiện hành thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo đó, chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.

Theo đó , ông Thanh kiến nghị, chính sách đầu tư cần hướng đến thu hút nhà đầu tư theo vùng, miền, tạo sự hài hòa trong cơ cấu nguồn điện, lưới điện các vùng, miền trên cả nước.

Về giá điện, ông Thanh kiến nghị, cần đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua bán điện.

Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng.

“Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định. Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng biểu giá điện công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân để lựa chọn phương án phù hợp. Xây dựng giá điện hai thành phần, có chính sách để phát triển hài hòa các công trình theo vùng, miền, đưa ra tín hiệu định hướng và thu hút nhà đầu tư”- ông Thanh nói.

Báo động an ninh nguồn nước

Báo cáo kết quả giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB KHCN&MT cho biết: Theo báo cáo của Bộ TN&MT thì chất lượng nước mặt tại khu vực đầu nguồn tương đối tốt.

Tuy nhiên, một số lưu vực sông đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, nhiều đoạn sông chất lượng nước ở mức kém và rất kém như lưu vực sông Nhuệ-Đáy.

Đối với nước ngầm, từ năm 1990 trở lại đây, nguồn nước ngầm bị suy thoái cả về chất lượng và số lượng.

Việc khai thác quá mức, tập trung ở một số khu vực như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho mực nước ngầm hạ thấp. Gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên kéo theo hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông gây ô nhiễm nguồn nước ngọt của các địa phương.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB KHCN&MT của Quốc hội

Theo ông Dũng, cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3, trong đó có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ m3.

Đối với các hồ chứa nước lớn và vừa, chất lượng công trình cơ bản được bảo đảm, còn đối với hồ chứa nhỏ chất lượng xây dựng còn hạn chế. Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách, 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình, nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ.

Do vậy, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

An ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia nên UBKHCN&MT kiến nghị BCH Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đưa nội dung an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội của Đảng và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng để định hướng chỉ đạo, giải pháp tổng thể và nguồn lực đủ mạnh cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, đại diện UB KHCN&MT cũng đề nghị bố trí nguồn tiền để nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước.

Cụ thể bố trí vốn đầu tư, nâng cấp sửa chữa bảo đảm an toàn cho 200 hồ, đập ở 33 tỉnh đang bị hư hỏng nặng và sửa chữa 1.200 hồ chứa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du. Xử lý dứt điểm một số vấn đề liên quan đến di dân lòng hồ Đà phục vụ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La….

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, an ninh nguồn nước và phát triển điện lực là 2 vấn đề luôn được đề cập và đồng tình với kiến nghị của 2 Ủy ban về 2 vấn đề trên.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần lồng 2 nội dung trên vào trong quá trình thảo luận báo cáo kinh tế xã hội tại kỳ họp tới. Qua đó gửi cho tiểu bản văn kiện của Đại hội Đảng để tham gia vào trong văn kiện trình đại hội XIII của Đảng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm