Xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội

Ngày 27-10-2016 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình (Trưởng ban Chỉ đạo), Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí.

Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn (Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương) cho hay 10 năm qua, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đồng thời chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, công tác thanh tra được quan tâm đẩy mạnh, đã phát hiện 670 vụ/1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ/429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ, việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị của Ban Nội chính về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương

Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ án/7.789 bị can; VKSND đã truy tố 2.770 vụ/6.480 bị can; TAND đã xét xử 2.536 vụ án/5.749 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Từ năm 2013 đến năm 2016, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã triển khai 25 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tám bộ, ngành và 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 244 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý nhằm theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, lãng phí chưa tạo được sự chuyển biến căn bản; chưa tạo được dư luận mạnh mẽ trong xã hội phê phán, lên án những hành vi tham nhũng, lãng phí.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên còn yếu; chưa quản lý tốt đảng viên, chưa phát hiện và đấu tranh kịp thời những trường hợp có biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ.

Công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn nhiều bất cập…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội. Biểu dương, khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác, phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định sau 10 năm thực hiện các chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác PCTN, lãng phí đã có sự chuyển biến tích cực.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu phải coi công tác PCTN, lãng phí là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong xã hội. Biểu dương, khen thưởng thích đáng, kịp thời những người tố giác, phát hiện tiêu cực, tham nhũng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng thể chế, pháp luật để bảo đảm phòng, chống cho tốt với phương châm: “Cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng”.

Bên cạnh đó, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí. Tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm