Xây metro: An toàn trên hết!

Từ ngày 21-8, liên danh nhà thầu Shimizu - Meada chính thức thi công ga Nhà hát TP của tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1). Những ngày đầu nhà thầu chủ yếu đào thăm dò trước khi đồng loạt thi công hạng mục quan trọng nhất là hệ thống tường vây (dự kiến từ tháng 10-2014).

Thi công ga ngầm: Đào hở cho an toàn

Tuyến metro số 1 dài gần 20 km, bắt đầu từ ga Bến Thành và đi ngầm ở độ sâu 15-30 m bên dưới đường Lê Lợi để đến ga Nhà hát TP. Sau đó, tiếp tục đi ngầm ở vị trí giữa Nhà hát TP và khách sạn Caravelle về ga Ba Son ở khu vực Nhà máy đóng tàu Ba Son. Tổng chiều dài của đoạn đi ngầm dài 2,6 km.

Hạng mục đầu tiên được thi công là ga ngầm Nhà hát TP, dài 190 m, rộng 26 m với bốn tầng. Mặt đáy nhà ga cách mặt đất 32 m, đỉnh nhà ga cách mặt đất 3 m. Ông Kawai, đại diện nhà thầu, cho hay kết quả khảo sát cho thấy địa chất ở khu vực có đất sét pha lẫn với cát nên việc thi công không quá khó khăn nhưng nếu hệ thống tường vây bị hở thì dễ xảy ra xói lở.

“Để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra như lún, sạt đất, ga Nhà hát TP sẽ được đào hở và thi công theo phương pháp top-down. Tức sau khi tường vây, cọc chống được thi công xong thì sẽ đào đất từ trên xuống và thi công từng sàn một cho đến điểm sâu nhất” - ông Dương Hữu Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý Tuyến metro số 1 thuộc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, nói.

Tương tự, ga Ba Son cũng sẽ được đào hở và thi công theo phương pháp trên để đảm bảo an toàn.

Phối cảnh tuyến metro số 1 đoạn phía trước khách sạn Rex sau khi hoàn thành. (Ảnh do ban quản lý dự án cung cấp)

Đoạn đi ngầm: Đào theo từng đoạn

Hạng mục được nhiều người quan tâm nhất là đoạn ngầm nối hai nhà ga Nhà hát TP và Ba Son (đi ngầm ngang phía dưới đường Hai Bà Trưng, qua trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn và men theo đường Nguyễn Siêu). Đoạn này được thi công ngầm thay vì đào hở và theo ông Hòa thì “địa chất của khu vực không quá xấu nhưng việc thi công ngầm cũng có khả năng xảy ra nhiều rủi ro”.

Ông Hòa cho hay đoạn ngầm nối giữa hai ga chạy dọc theo đường Nguyễn Siêu sẽ được thi công theo phương pháp đào kín bằng khiên đào. “Tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng được thi công bằng phương pháp tương tự nhưng điểm khác biệt là đường kính của đường ngầm metro lớn hơn tuyến cống bao rất nhiều” - ông Hòa diễn giải.

Máy đào ngầm cho tuyến metro này sẽ có đường kính 6,65 m, bằng kích thước của đường hầm về sau và đủ rộng để chứa thiết bị, máy móc và công nhân. Chính vì đường kính đường hầm lớn nên sẽ có từng đốt ngắn khép kín theo từng đoạn của đường ngầm để tránh sạt lở. Sẽ có hai “đường ống” song song hoặc chồng lên nhau (tùy đoạn) để tàu điện ngầm lưu thông hai chiều.

Mua bảo hiểm cho các nhà cao tầng

Việc thi công đường ống ngầm có đường kính rất lớn đi xuyên qua khu trung tâm TP khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn cho các tòa nhà cao tầng, hầm ngầm hiện hữu. Cụ thể, các công trình nằm trong tầm ảnh hưởng là Trung tâm thương mại Vincom, khách sạn Caravelle, cao ốc Opera View, Nhà hát TP… Phía nhà thầu cho biết đang khảo sát, điều tra hiện trạng và mua bảo hiểm cho các công trình trong phạm vi thi công.

“Sắp tới, nhà thầu sẽ gắn hệ thống quan trắc tự động tại các tòa nhà này. Nếu xuất hiện những dấu hiệu vượt mức an toàn cho phép, ban quản lý sẽ dừng ngay việc thi công để khắc phục.

Nhà thầu cũng sẽ quay phim, chụp ảnh và lập biên bản ghi nhận hiện trạng có sự xác nhận của chủ công trình để đối chiếu về sau”. Ông Hòa cho biết và trấn an: “Cũng không nên quá lo lắng, bởi phương pháp thi công này không mới mẻ trên thế giới. Nhà thầu cũng là các đơn vị có nhiều kinh nghiệm thi công metro ngầm ở Nhật Bản, Thái Lan”.

MINH PHONG

Dời cáp điện ngầm vì metro

Ngày 22-8, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM có văn bản đề nghị Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT TP) khẩn trương di dời đoạn cáp ngầm điện hạ thế ra khỏi khu vực thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn thuộc địa bàn quận Thủ Đức.

Qua đào thăm dò, nhà thầu thi công phát hiện có tuyến cáp điện ngầm ở gần nút giao thông Trạm 2, có thể ảnh hưởng đến việc thi công cọc khoan nhồi và cọc trụ của tuyến metro.

TRUNG THANH

Tuyến metro số 1 có ba gói thầu xây dựng (số 1a, 1b và số 2) và một gói thầu cơ điện (số 3). Trong đó, đoạn trên cao và depot (từ ga Ba Son vượt sông Sài Gòn, chạy dọc xa lộ Hà Nội đến depot ở quận 9) là gói số 2 đã được thi công đại trà.

Đoạn metro ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son, bao gồm cả hai ga ngầm có giá trị hợp đồng trên 23 tỉ yen Nhật (hơn 229 triệu USD), do liên danh nhà thầu Shimizu - Meada thi công trong 54 tháng.

Ở trung tâm TP đã xảy ra vụ sụt lún trong vụ xây tòa cao ốc Pacific (ở góc đường Pasteur - Nguyễn Thị Minh Khai) do địa chất yếu. Tại Thụy Sĩ, Singapore cũng từng xảy ra sụt lún khi thi công các tuyến metro do vướng túi bùn. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn trong thi công ở đoạn đi ngầm được ưu tiên hàng đầu. Tuyệt đối không vì chạy theo tiến độ mà để xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Ông DƯƠNG HỮU HÒA, Phó Giám đốc Ban Quản lý
Tuyến metro số 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm