Xe bốn bánh thí điểm không chịu kiểm định

Theo Thông tư 16/2014 của Bộ GTVT, từ ngày 1-7 xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (còn gọi là xe Damsel, mang bảng số thí điểm - TĐ) phải được kiểm định, dán tem và cấp giấy chứng nhận kiểm định mới được lưu hành. Thế nhưng đến nay nhiều xe vẫn chưa được kiểm định, người lái (đa số không có bằng B2) vẫn cho xe chạy trên các tuyến đường cấm.

Loại xe bị từ chối

Đầu tháng 7, anh Phạm Duy Thanh, ngụ quận Bình Tân đưa chiếc xe Damsel mới mua đi kiểm định. Dù xe đã có biển số TĐ và giấy hẹn ngày lấy cà vẹt của CSGT nhưng trạm đăng kiểm vẫn từ chối kiểm định. Lý do là theo Thông tư 16, loại xe này phải có cà vẹt thì mới được kiểm định, không như các loại ô tô khác chỉ cần giấy hẹn ngày lấy cà vẹt là được xét ngay.

10 ngày sau, khi đã có cà vẹt, anh Thanh lại đem xe đi xét nhưng trạm đăng kiểm tiếp tục từ chối vì xe Damsel không được xem là ô tô, tức thuộc diện mua phí bảo trì đường bộ ở ngay trạm. Do xe này vẫn bị coi là mô tô nên anh Thanh phải mua phí bảo trì đường bộ ở nơi cư trú. Đến đây thì anh Thanh… tắc, bởi phường của anh vẫn chưa lập quỹ và tổ chức bán loại phí này.

Một xe Damsel bị bung cả cửa buồng lái vẫn vô tư chạy trên đường. Ảnh: Lưu Đức

Đăng kiểm: 95% rớt “từ vòng gửi xe”

Đối với xe mới là vậy, còn các xe cũ đã lưu hành từ năm 2010 đến nay thì sao? Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04V, qua kiểm tra trực quan khi các xe chuẩn bị vào trạm thì có đến 95% xe bị từ chối kiểm định. “Phần lớn xe cũ đều dính các lỗi như cabin rung bần bật khi xe chạy không tải ở chế độ ga nhỏ nhất; vô lăng rơ quá độ cho phép; cửa xe bị bung mối hàn; thùng chở hàng không bắt chặt vào khung xe…” - ông Hải cho biết.

Theo lý giải của nhiều chủ xe Damsel, toàn bộ dàn khung, dàn nhíp, thùng xe đều được làm bằng thép, tôn mỏng để đạt trọng lượng bản thân 495 kg. Vì vậy, nếu “độ” thêm thép vào dàn khung cho xe thêm cứng, đôn nhíp hoặc hàn đắp thêm tôn vào thùng hàng thì sẽ làm tăng trọng lượng bản thân xe, dẫn đến khó lọt đăng kiểm. Còn để nguyên bản thì chỉ chạy khoảng 6-10 tháng là xe xuống cấp.

Khó bố trí đường cho xe chạy

Trong Thông tư 16, phạm vi, tuyến đường và thời gian hoạt động của xe Damsel do Chủ tịch UBND tỉnh, TP quy định theo nguyên tắc không cho loại xe này chạy trên các tuyến đường cao tốc, đường nội thành, nội thị… Theo Sở GTVT TP, quy định này là sự tiếp nối các quy định trước đây về tuyến đường, phạm vi, thời gian được phép hoạt động của loại xe ba bánh. Theo đó, các tuyến vành đai và đường nội thành đã cấm các loại xe ba bánh thì nay vẫn áp dụng tiếp cho xe Damsel.

Tuy nhiên, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý khai thác công trình giao thông, Sở GTVT TP, phân tích: Do loại xe Damsel nằm “chơi vơi” giữa xe mô tô ba bánh và xe ô tô nên rất khó bố trí làn, tuyến đường cho loại xe này chạy. Cụ thể: Xe Damsel cũng có bốn bánh, cũng có vô lăng, có cần số tay và thắng chân nhưng nó lại không phải là ô tô vì trọng lượng bản thân của xe ô tô phải từ 750 kg trở lên, công suất máy phải từ trên 30 kW (trong khi xe Damsel nặng dưới 500 kg và công suất chỉ dưới 15 kW). Ngoài ra, tốc độ của ô tô nhỏ nhất từ trên 50 km/giờ và cao là từ trên 120 km/giờ, trong khi tốc độ thiết kế của xe Damsel đạt cao nhất chỉ là 40 km/giờ…

Theo Trung tá Hồ Văn Hồng, Đội trưởng Đội CSGT An Sương, do đặc điểm kỹ thuật nêu trên nên rất khó bố trí cho xe Damsel chạy. Hiện ở các tuyến vành đai như quốc lộ 1, 22, xa lộ Hà Nội… đều đã có dải phân cách giữa làn xe ô tô với xe hai, ba bánh, vậy phải cho loại xe này chạy ở làn nào?

“Nếu cho chạy trong làn ô tô thì với tốc độ thiết kế của xe Damsel không quá 40 km/giờ sẽ cản trở các loại ô tô khác lưu thông. Nhưng cho chạy chung với làn xe hai, ba bánh cũng không ổn vì nó đã được “coi tương tự xe ô tô” rồi!” - Trung tá Hồng nói.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

Mãi là kiếp nghèo chạy xe “ba không”

Từ những năm 2007, 2008 TP.HCM, Bộ GTVT và Chính phủ đưa ra chủ trương xóa bỏ các loại xe ba, bốn bánh tự chế, xe lam… nhằm hạn chế tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường. Tại TP.HCM có hẳn đề án thay thế các loại xe trên. Nhưng đề án này không hiệu quả do loại xe thay thế có giá quá cao (từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/chiếc), còn việc đào tạo người lái xe ba gác, xe lôi, xe lam lấy bằng B2 cũng thất bại vì ít có người nghèo chịu đóng học phí theo học.

Năm 2010, hai công ty cơ khí ở phía bắc ào ạt nhập các loại xe lôi ba bánh, xe bốn bánh có gắn động cơ chở hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam với giá từ 25 triệu đến 60 triệu đồng/chiếc. Ngay thời điểm đó Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ GTVT đã cảnh báo loại xe bốn bánh nhập máy, khung từ Trung Quốc về để lắp ráp là không an toàn kỹ thuật và bảo đảm môi trường. Nhưng sau đó, có chỉ đạo cho loại xe này chạy thí điểm, cho đăng ký biển số (thí điểm - TĐ) đến ngày 31-8-2011.

Đến cuối năm 2013, khi loại xe Damsel đã tràn ngập các tỉnh, TP và bộc lộ rõ là loại xe kém chất lượng thì việc siết chặt quản lý tiến đến loại bỏ nó mới được gấp rút tiến hành. Giữa tháng 5-2014, Bộ GTVT ban hành Thông tư 16 với các quy định nghiêm ngặt về điều kiện kỹ thuật của xe và người lái.

Đến trước ngày 1-7, thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực thi hành, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có hơn 10.000 xe Damsel đã lưu hành. Quy định mới khiến các chủ xe (đa phần là người nghèo) rất chới với do biết chắc kiểm định không đạt, bằng lái B2 không có, trong khi tuyến đường được chạy không rõ ra sao… Hàng chục triệu đồng của họ có nguy cơ trở thành sắt vụn.

Rõ ràng, chuyện thay xe, chuyển nghề thiếu quyết liệt và cho nhập xe Trung Quốc kém chất lượng đã gián tiếp đẩy những người nghèo vốn chạy xe ba gác, xe lôi, xe lam trước đây đi tiếp vào con đường “ba không”: Chạy xe Damsel không đăng kiểm, không bằng lái (B2) và chạy không đúng đường quy định.

L.ĐỨC

Rất ít người có bằng lái hợp lệ

Thông tư 16 quy định đến ngày 1-1-2015 người lái xe Damsel phải có bằng lái hạng B2. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trường dạy nghề lái xe Hoàng Gia, trước đây khi cho phép xe Damsel chạy thí điểm đã có quy định người lái phải có bằng lái hạng A4 nhưng không ai đạt được. Lý do, người lái loại xe này toàn là người nghèo chuyển từ lái xe lôi ba bánh, xe ba gác, xe lam sang nên không ai chịu bỏ ra 4-5 triệu đồng để học. Đồng thời TP cũng không có trường nào dạy, tổ chức thi lấy bằng lái hạng A4.

“Nay quy định mới đòi hỏi người lái phải có bằng B2 thì e sẽ khó. Bởi trong tình cảnh hiện nay, ít ai dám bỏ 9-10 triệu đồng để đóng học phí và bỏ thời gian 5-6 tháng ra học để có bằng B2” - ông Long nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm