Xử lý dứt điểm các DNNN để thất thoát vốn

Sáng 15-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”.

474/475 ĐBQH đã biểu quyết tán thành nghị quyết nói trên, một ĐBQH không biểu quyết.

Xử lý dứt điểm các DNNN để thất thoát vốn ảnh 1
Hơn 97% ĐBQH tán thành thông qua nghị quyết.

Theo đánh giá của QH, giai đoạn 2011-2016, việc quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhìn chung được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Tiền lương, thu nhập và quyền lợi của người lao động cơ bản ổn định, bảo đảm. Công tác cổ phần hóa đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, bất cập và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính.

“Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng. Một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư ra nước ngoài nhìn chung hiệu quả thấp. Tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao” - nghị quyết nêu.

Thêm vào đó, vẫn còn vi phạm về công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước; quản lý sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty còn tồn tại, hạn chế.

Quốc hội nêu rõ, những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Quốc hội giao Chính phủ, khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về vấn đề này.

Tổng kết, đánh giá mô hình Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và mối quan hệ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chỉ đạo các bộ, ngành UBND các tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Quốc hội yêu cầu, đến năm 2020, Chính phủ phải xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

“Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019)” - Nghị quyết của QH nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm