Xử phúc thẩm Thiếu tướng Trần Văn Thanh

Bị cáo Trần Văn Thanh bị cấp sơ thẩm kết án về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Trước đây, trong phiên sơ thẩm ngày 7-8, ông Thanh (vắng mặt vì sức khỏe yếu) đã bị TAND TP Đà Nẵng phạt 18 tháng tù treo. Các bị cáo khác là nguyên Trưởng đại diện báo Công An TP.HCM tại Hà Nội Dương Tiến bị phạt 17 tháng năm ngày tù (bằng thời gian tạm giam); nguyên cán bộ Công an TP Đà Nẵng Đinh Công Sắt bị phạt 12 tháng tù treo; bị cáo Nguyễn Phi Duy Linh bị phạt 36 tháng tù.

Sau đó, ông Thanh cùng các bị cáo Tiến, Linh kháng cáo kêu oan. Đồng thời, tháng 9-2009, Viện Phúc thẩm II cũng kháng nghị một phần bản án sơ thẩm, đề nghị tòa phúc thẩm tuyên ôngThanh không phạm tội và đình chỉ vụ án với ông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ án, ngày 26-11, Tổng Biên tập báo Công An TP.HCM đã có công văn gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao phản ánh về “những chi tiết không đúng” trong bản án sơ thẩm đối với ông Tiến.

Theo công văn này, ông Tiến chỉ viết một bài báo về Đà Nẵng với tựa đề “Nguyên nhân nào một số công dân khiếu kiện gay gắt?”, đăng ngày 10-5-2007, nội dung phản ánh một số bức xúc của người dân Đà Nẵng trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Từ khi bài báo đăng tới nay, báo Công An TP.HCM không hề nhận được công văn, đơn thư của cơ quan, cá nhân nào ở TP Đà Nẵng khiếu nại nội dung bài viết. Các cơ quan chức năng nhà nước có liên quan cũng không hề có ý kiến với bài báo. Trong cáo trạng của VKSND TP Đà Nẵng đề nghị truy tố ông Tiến cũng không hề đề cập vấn đề này.

Thế nhưng bản án sơ thẩm lại ghi: “Đối với Dương Tiến, với tư cách là phóng viên, trưởng văn phòng đại diện báo Công An TP.HCM tại Hà Nội, bị cáo đã lợi dụng quyền tự do báo chí để viết bài không đúng sự thật về tình hình Đà Nẵng nhằm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ lãnh đạo cũng như chính quyền TP Đà Nẵng”. Theo báo Công An TP.HCM, tòa sơ thẩm kết luận như vậy là không có cơ sở thực tế và pháp lý. Vì vậy, báo Công An TP.HCM đề nghị TAND Tối cao và VKSND Tối cao xem xét trong phiên phúc thẩm.

HỮU KHÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm