Xử vụ án đất đai lớn nhất An Giang: “Đưa hồ sơ lên là ký” (!)

Ngày 20-8, bước sang ngày thứ hai xử vụ án đất đai ở TP Long Xuyên, TAND tỉnh An Giang đã xét hỏi bảy bị cáo liên quan đến khu dân cư (KDC) UBND phường Mỹ Phước.

Lên đời đất lúa làm nền dân cư

Theo cáo trạng, cuối năm 2003, bị cáo Trần Thiện Tích (nguyên bí thư phường Mỹ Phước) và Lê Văn Hương (nguyên chủ tịch phường này) chủ trương mua đất trồng lúa để lập KDC, giải quyết chỗ ở cho cán bộ phường. Hương phân công bị cáo Phạm Văn Đông (cán bộ văn phòng) làm đại diện đi mua 5.347,6 m2 đất trồng lúa.

Tháng 7-2004, Đông làm thủ tục chuyển quyền sử dụng và được bị cáo Hồ Đăng Chiến ký cấp giấy đỏ. Hai tháng sau, Đông và Hương làm đơn xin đăng ký biến động đất đai, chuyển diện tích đất trên thành đất trồng cây lâu năm và được ông Ngọc Chi (Trưởng phòng Quản lý Phát triển Đô thị TP Long Xuyên, không được tòa triệu tập) tiếp nhận, lập tờ trình, đề xuất và được UBND TP Long Xuyên cho phép chuyển mục đích (do bị cáo Chiến ký).

Xử vụ án đất đai lớn nhất An Giang: “Đưa hồ sơ lên là ký” (!) ảnh 1

Bị cáo Hồ Đăng Chiến, nguyên phó chủ tịch UBND TP Long Xuyên. Ảnh: VĨNH SƠN

Dựa trên danh sách đối tượng được tiêu chuẩn có nền do Tích và Hương xét chọn, Đông thu tiền của 50 người (trong đó có 47 người là cán bộ phường) để đầu tư KDC. Đông tiến hành bơm cát san lấp mặt bằng khu đất này. Rồi Đông làm thủ tục tách thành 12 thửa và bán lại cho 12 cán bộ của phường đứng tên. Sau đó, Đông tiếp tục làm đơn đăng ký biến động đất đai, tách 12 thửa này thành 50 thửa, kết hợp với chuyển mục đích lên đất thổ cư. Đông được một thửa, còn 49 thửa bán lại cho 49 người theo danh sách được xét chọn.

Tại tòa, bị cáo Đông nói mình giống như kẻ bù nhìn, toàn bộ thủ tục đều do cán bộ địa chính phường và Võ Duy Cương (phó chủ nhiệm UBKT Thành ủy Long Xuyên) thực hiện.

“Chỉ biết ký thôi, chẳng biết gì”

Trả lời tòa, bị cáo Tích nói khi lập KDC, bị cáo không họp Đảng ủy, không ra nghị quyết. “KDC liên quan đến 50 con người, là chủ trương lớn của phường mà bị cáo nói không biết, không bàn trong Đảng ủy, không ra nghị quyết thì chỉ vì lợi ích nhóm thôi” - tòa nói.

Bị cáo Tích nói mình không hiểu về quy trình thành lập KDC. Khi bị cáo Hương xin ý kiến thì Tích đồng ý nhưng kêu phải tham khảo ngành chức năng. Sở dĩ bị cáo đồng ý bán ba nền cho người không phải là cán bộ phường là vì nể nang cán bộ cấp trên phụ trách địa bàn. Ba nền này bán cho Lâm Hồng Bình (Phó Công an TP Long Xuyên lúc đó), Lâm Minh Hồng (em ruột bà Lâm Minh Lĩnh, lúc đó là Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Long Xuyên) và vợ ông Nguyễn Trung Thứ (hiện là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang).

Bị cáo Hương thì cho rằng ký chứng thực cho chuyển nhượng đất để làm KDC là do các cơ quan chức năng hướng dẫn và “cái này bị cáo nghĩ là vận dụng pháp luật”. “Cả xã hội mà vận dụng pháp luật kiểu này là chết hết” - tòa nói.

Bị cáo Hồ Đăng Chiến thì nói do tin tưởng cơ quan chuyên môn nên ký các hồ sơ cho phép tách thửa, chuyển nhượng, chuyển mục đích. “Do các cơ quan này trình lên là “đủ điều kiện” nên chỉ biết ký thôi chứ bận nhiều việc đâu thể kiểm tra từng hồ sơ. Hơn nữa, bị cáo cũng không xuống khu đất nên đâu biết nó là KDC, chỉ nghĩ là giao dịch giữa các cá nhân thôi. Bị cáo chưa hề học qua lớp quản lý nhà nước về đất đai, giờ nghe HĐXX nói thì mới biết mình có tội như cáo trạng nêu” - bị cáo Chiến nói.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm