Xuất khẩu lao động: Lo quyền lợi cả khi đi và về

Ngày 23-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trung tâm nhà nước hay doanh nghiệp được xuất khẩu lao động

Tại buổi thảo luận, vấn đề nổi lên là việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ do trung tâm dịch vụ việc làm (trung tâm) do Nhà nước lập ra đảm trách hay là do doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện?

Đại biểu (ĐB) Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cùng nhiều ĐB tán thành với phương án phải thông qua trung tâm. Tuy vậy, các ĐB yêu cầu trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập không thu tiền của NLĐ và phải đảm bảo không phát sinh thêm bộ máy.

Tuy nhiên, nhiều ĐB không tán thành phương án qua trung tâm đã bày tỏ băn khoăn. ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề: “Vậy các trung tâm này thuộc tỉnh thì có ký quỹ không? Không thu phí của NLĐ thì kinh phí đâu để thực hiện? Không phát sinh bộ máy thì người đâu để làm? Khi NLĐ gặp rủi ro thì ai đứng ra giải quyết? Liệu chủ tịch tỉnh có đứng ra xử lý được không?”.

ĐB Nguyệt cho rằng: Nhà nước chỉ nên làm những gì mà doanh nghiệp không làm. Vậy cần phải tính toán, cân nhắc kỹ việc Nhà nước thành lập ra các trung tâm.

ĐB Tạ Văn Hạ (Cà Mau) thì cho rằng cần xem thị trường xuất khẩu lao động là một thị trường đặc biệt. Vì tính chất này nên cần phải phát triển cân bằng cả hai loại hình trung tâm công lập và doanh nghiệp ngoài công lập.

“Cần tiến hành đấu thầu chỉ tiêu việc làm ở các thị trường để các trung tâm, doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Từ đó, NLĐ sẽ được hưởng lợi cao nhất. Sẽ rất mất công bằng nếu NLĐ đi qua trung tâm nhà nước thì không mất phí, còn đi từ doanh nghiệp ngoài thì mất phí. Trong khi đó, Nhà nước phải chi trả kinh phí cho trung tâm công lập hoạt động” - ĐB Tạ Văn Hạ bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đang giải trình một số nội dung trước Quốc hội. Ảnh: QH

Giải trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay vừa qua Chính phủ đã cho thí điểm ở sáu tỉnh đưa NLĐ đi làm việc ở Hàn Quốc thời gian ngắn 5-6 tháng thông qua các trung tâm. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp rất nhiều NLĐ có việc làm vì đây là các trung tâm phi lợi nhuận, NLĐ không phải trả phí. Trung tâm chỉ thực hiện đưa NLĐ đi khi tỉnh có thỏa thuận với phía bạn và thời gian ngắn, không phát sinh chi phí, bộ máy, con người.

Bộ trưởng Dung khẳng định việc này là phù hợp với thông lệ quốc tế mà chúng ta đã cam kết. Cùng với đó, đây cũng là một giải pháp cắt giảm chi phí cho NLĐ vì NLĐ không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới. Mặt khác, việc này không có tranh chấp gì với các doanh nghiệp vì hoàn toàn phi lợi nhuận.

“Chỗ này không giao cho doanh nghiệp làm được vì là phi lợi nhuận, chúng ta không thu phí, tạo cơ hội việc làm cho nhiều NLĐ. Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định” - Bộ trưởng Dung đề nghị.

Cần chính sách sử dụng NLĐ khi về nước

ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) lưu ý việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là một cách tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Do đó, khi hết thời hạn, NLĐ trở về nước thì phải tận dụng tối đa nguồn nhân lực này. Muốn thế phải có chính sách cụ thể để khuyến khích nguồn nhân lực này khởi nghiệp, tìm được việc làm phù hợp với trình độ.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết về đảm bảo bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động những công việc nhạy cảm, có khả năng bị xâm hại. Đồng thời, ĐB Hòa đề nghị cần hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp để phát huy kiến thức, chuyên môn, kỹ năng nghề của NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài sau khi về nước.

“Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện việc này rất tốt. Tuy nhiên, có địa phương sự quan tâm rất hạn chế dẫn đến có bộ phận không nhỏ lao động khi về nước không có việc làm, ăn không ngồi rồi. Sau khi hết tiền, những lao động này lại đi làm thuê. Cho nên Nhà nước cần có kế hoạch tạo việc làm cho những lao động này sau khi hết hạn về nước” - ĐB Hòa nói.

Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có hai loại ý kiến tán thành và không tán thành. Loại ý kiến tán thành cho rằng trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và rủi ro đối với NLĐ khi làm việc ở nước ngoài vẫn hiện hữu, để đảm bảo xử lý và có biện pháp kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì quỹ này là rất cần thiết. Quỹ sẽ có nguồn từ chính doanh nghiệp dịch vụ và NLĐ. Quỹ mang tính chất dự phòng.

Còn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước rất cần, để hỗ trợ NLĐ và góp phần giải quyết các tranh chấp. “Quỹ chỉ được sử dụng trong những tình huống cấp bách, Nhà nước không phải chi kinh phí” - Bộ trưởng Dung nói.

Người nhiễm HIV phải báo kết quả xét nghiệm dương tính cho “đối tác”

Sáng 23-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Trình bày tờ trình, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng luật hiện hành cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Đáng chú ý, việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...

Thảo luận sáng nay, nhiều ĐB quan tâm đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Theo đó, dự thảo quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng; người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

ĐB Quốc hội Trương Phi Hùng (Long An) nhận xét quy định nói trên là phù hợp, góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân, giảm lây nhiễm.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) lại băn khoăn khi quy định nghĩa vụ thông báo nhưng chưa rõ người nhiễm phải thông báo như thế nào, nếu không thông báo sẽ ra sao. Điều này liên quan đến hành vi được quy định trong BLHS. Nếu đây là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm thì có phải là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm