DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Thống nhất 1 phương án cấp sổ hồng cho đất không giấy tờ

(PLO)- Theo Uỷ ban Kinh tế, sau khi tiếp thu ý kiến trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội, dự thảo luật chỉ còn quy định một phương án về việc cấp sổ hồng cho đất không giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.

Sáng 16-11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường hôm 3-11 vừa qua, các quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tiếp tục hoàn thiện hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Mở rộng thời hạn công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ

Cụ thể, theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, một số nội dung tại dự thảo được thiết kế hai phương án, nay tiếp thu ý kiến, thu gọn chỉ còn một phương án, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đơn cử như quy định cấp sổ hồng cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền (Khoản 3 Điều 139). Tại bản dự thảo trình QH cho ý kiến hôm 3-11 đã thiết kế hai phương án.

Phương án 1, đề nghị quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014 (quy định tại Luật Đất đai năm 2013 là thời hạn đến ngày 1-7-2004). Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014 nay được cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Phương án 2, chỉnh sửa thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm nộp hồ sơ cấp sổ hồng. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp sổ hồng, nay được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Uỷ ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn Phương án 1. ĐBQH không phát biểu ý kiến về lựa chọn phương án về nội dung này.

Tiếp thu ý kiến đa số trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Cá nhân nhận chuyển nhượng đất lúa vượt hạn mức phải thành lập tổ chức kinh tế

Quy định về Về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cũng được thu gọn còn một phương án thay vì ba phương án.

Cụ thể, dự thảo trước đó quy định, một là không giới hạn về điều kiện; hai là cá nhân phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho người thuộc hàng thừa kế); ba là chỉ phải thành lập tổ chức kinh tế khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định.

Theo Uỷ ban Kinh tế, ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất đối với nội dung này khi cho ý kiến về dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 khi 5/18 ý kiến lựa chọn Phương án 1; 6/18 ý kiến lựa chọn Phương án 2; 4/18 ý kiến lựa chọn Phương án 3; 3/18 ý kiến chưa lựa chọn phương án.

Trong khi đó, nhiều ý kiến ĐBQH phát biểu ý kiến về vấn đề này tại hội trường lựa chọn Phương án 3 (8/17 ý kiến).

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định theo hướng cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm quản lý nghiêm ngặt khu vực đất trồng lúa; thực hiện điều tra, đánh giá chất lượng đất trồng lúa, phòng ngừa việc hủy hoại đất trồng lúa; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất khác; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn; đồng thời, đặt ra yêu cầu có dữ liệu thông tin để kiểm soát việc nhận chuyển nhượng trong hạn mức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới