Thống nhất đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với số vốn 15.900 tỉ đồng

Sáng 19-10, trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

hdnd-tphcm-thong-qua-nq

Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua Nghị quyết sáng 19-10. Ảnh: HOÀNG GIANG

Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỉ đồng, trong đó có hơn 5.400 tỉ đồng chi phí xây dựng; hơn 1.800 tỉ đồng chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, lãi vay; hơn 7.400 tỉ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (trên địa bàn TP.HCM là 5.900 tỉ đồng).

Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021-2025.

Mục tiêu đầu tư của dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá, giảm tải cho quốc lộ 22.

Đây sẽ là tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Đồng thời, tuyến đường phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực; góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, dự án này còn phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến và các khu dịch vụ, công nghiệp phù hợp, hiệu quả.

Dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, đi song song quốc lộ 22 hiện hữu; điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Chiều dài toàn tuyến đường khoảng 50 km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh 26,3 km. Tuyến đường có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP đã thống nhất lùi thời gian thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn đến 0 giờ ngày 1-4-2022 thay vì từ 0 giờ ngày 1-10-2021 như trước đây.

Việc đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển lần thứ hai này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 tác động, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo tính toán của TP.HCM, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-10-2021 thì số thu dự kiến trong 6 tháng (từ ngày 1-10-2021 đến ngày 31-3-2022) là 1.482 tỉ đồng.

Trường hợp TP chưa thu phí trong 6 tháng thì khoản thu dự kiến này xem như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép - vừa quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm