MÁY BAY BOEING 777-200 MẤT TÍCH

Thông tin thiếu do sợ lộ bí mật quân sự

Báo điện tử Today Online (Singapore) ngày 13-3 dẫn lời ông Peter Goelz, nguyên Giám đốc điều hành Cục An toàn vận tải quốc gia Mỹ, đưa ra nhận định như trên.

Ông phân tích thông thường tình hình hỗn loạn đều xảy ra trong 24-36 giờ đầu tiên khi xảy ra sự cố nghiêm trọng, đặc biệt là sự cố quốc tế. Đó là lý do tồn tại một hiệp ước nêu rõ các biện pháp thực hiện cần thiết trong công tác điều tra. Hiệp ước phân định rõ sự can thiệp của các nước, cách quản lý tin đồn và cách tiết lộ thông tin.

Malaysia đã ký kết hiệp ước này nhưng không tuân thủ, do đó dẫn đến nhiều thông tin mâu thuẫn nhau được đưa ra từ nhiều bộ phận khác nhau.

Báo New York Times (Mỹ) nhận định tình trạng thiếu phối hợp giữa các cơ quan Malaysia trong công tác cập nhật thông tin liên quan đến máy bay mất tích cho thấy Malaysia đã không quản lý được tình hình.

Hãng tin AFP ngày 12-3 dẫn lời nhà phân tích hàng không Shukor Yusof thuộc Công ty nghiên cứu Standard & Poor’s Capital IQ (Mỹ) ghi nhận do Malaysia thiếu kinh nghiệm trước các vấn đề lớn vì thế đã gặp khó khăn.

Ông nhận định giới chức Malaysia đã thiếu nghiêm túc khi đưa ra các tuyên bố mâu thuẫn như danh sách hành khách, chi tiết về hoạt động tìm kiếm và cứu hộ; hãng hàng không Malaysia Airlines cũng không biết hối lỗi trong công tác đào tạo nhân viên giải quyết khủng hoảng. Ông ghi nhận: “Đây là một bi kịch hết sức nghiêm trọng. Công tác truyền thông quá nghèo nàn!”.

Tạp chí công nghiệp Flightglobal (Anh) nhận định không thể tha thứ cho tình trạng thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm của chính phủ Malaysia cùng các cơ quan hàng không nước này.

Tại Malaysia, Chủ tịch đảng Hành động Dân chủ (đối lập) Lim Kit Siang đặt câu hỏi vì sao các bộ trưởng cấp cao lại không được thông báo nhanh về tai nạn máy bay, tại sao vài giờ sau khi máy bay mất tích thủ tướng và bộ trưởng Giao thông-Vận tải mới hay tin.

Báo Telegraph (Anh) dẫn lời chuyên gia hàng không David Gleave ở ĐH Loughborough (Anh) nhận định nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích bị cản trở một phần do các nước trong khu vực ngần ngại chia sẻ thông tin.

Theo ông, hệ thống radar quân sự trên biển và trên đất liền của các nước gần vị trí máy bay mất tích đều có khả năng theo dõi được nhưng thông tin không được tiết lộ. Ông lưu ý: “Khu vực máy bay rơi đang trong giai đoạn căng thẳng chính trị. Các nước trong khu vực đều có hệ thống radar hoạt động. Nguyên nhân các nước không chia sẻ vì sợ nước khác biết khả năng quân sự của mình”.

Ông nhận định ngay cả hoạt động tìm kiếm của tàu hải quân trong khu vực cũng không được tiết lộ đầy đủ.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới