Dưới đây là ý kiến của ông Enda Ryan (ảnh), Tổng Giám đốc Mead Johnson Việt Nam, nhằm làm rõ hơn về sự thật đằng sau câu chuyện giá sữa cao…
. Thưa ông, báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy giá bán một số sản phẩm sữa của Mead Johnson tại Việt Nam cao gấp đôi giá nhập khẩu và Mead Johnson đã kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc mua thấp bán cao. Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?
+ Điều quan trọng không được báo chí nhắc tới mặc dù hiển thị rõ ràng trong báo cáo của Thanh tra Bộ Tài chính là Mead Johnson Vietnam cho đến nay vẫn không có lợi nhuận. Thêm vào đó, báo cáo chỉ có số liệu tới tháng 6-2009, kể từ đó giá nguyên liệu sữa đã tăng gấp đôi, từ 2.900 USD/tấn cuối năm 2008 đến 5.700 USD/tấn cuối năm 2009 (*).
Lợi nhuận không đơn giản là khoản nằm giữa giá nhập và giá bán. Hiện tại giá sữa Enfa A+ tại thị trường Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
. Có nghĩa là việc suy luận từ giá thành ra giá bán để kết luận lợi nhuận là thiếu chính xác?
+ Đúng như vậy. Số liệu lợi nhuận được suy diễn từ giá nhập-giá bán là không chính xác. Sự khác biệt này là do các chi phí lớn như phân phối (kho bãi, vận chuyển…), chi phí văn phòng, bảo hiểm, lương và chi phí đào tạo nhân viên, chi phí tiếp thị và các loại thuế (nhập khẩu, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp). Ngoài ra, Mead Johnson còn đầu tư giúp nâng cao kiến thức y khoa và sự hiểu biết về dinh dưỡng nhũ nhi thông qua việc tham gia tài trợ cho các hội thảo chuyên nghiệp về chăm sóc y tế.
. Một chi tiết bất lợi khác với Mead Johnson là kết quả báo cáo cũng chỉ ra rằng Mead Johnson đã đầu tư quá nhiều cho quảng cáo, tiếp thị và đây là yếu tố chính để đẩy giá thành sản phẩm lên cao?
+ Sữa bột là ngành hàng cạnh tranh gay gắt, các công ty sữa đều dành ngân sách cho việc quảng cáo và tiếp thị sản phẩm. Mead Johnson không nằm ngoài quy luật này. Mong muốn của Mead Johnson là cung cấp đầu đủ thông tin khoa học về sản phẩm sữa công thức để các bà mẹ có được sự chọn lựa tốt nhất cho con mình.
Các tuyên bố về việc đầu tư cho quảng cáo quá mức làm tác động đến giá thành sản phẩm của Mead Johnson là không xác đáng. Bởi ngoài việc là công ty sữa duy nhất đã giữ giá cả ổn định trong suốt 18 tháng qua, Mead Johnson cũng đã cắt giảm chi phí quảng cáo 37% tại Việt Nam trong năm 2009 (so với thời điểm trước đó). Chỉ là một công ty tầm nhỏ, hiện tại chi phí đầu tư cho quảng cáo của Mead Johnson cũng ở mức thấp nhất so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh lớn nào trên thị trường.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cho sữa bột đến tháng 9-2009, Mead Johnson chỉ đầu tư cho quảng cáo bằng 1/2 so với các công ty sản xuất sữa tại Việt Nam.
. Theo ông, đâu là yếu tố quyết định đến giá sản phẩm?
+ Trên tất cả, Mead Johnson không chỉ đơn giản là bán sữa bột mà đã đầu tư khổng lồ trong hơn 100 năm qua vào nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm để tạo ra giải pháp dinh dưỡng tốt nhất trong từng sản phẩm sữa công thức. Những khoản đầu tư phức tạp và tốn kém bao gồm các nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực phát triển trí não và hỗ trợ miễn dịch. Cụ thể hơn, những nỗ lực nghiên cứu này nhằm định mức độ chính xác của các chất dinh dưỡng mới, thực sự tạo ra sự vượt trội về hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh và toàn diện của trẻ em. Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm của công ty rất khắt khe đã thêm vào chi phí của thành phẩm.
. Trong thời gian tới, Mead Johnson có định giảm giá theo đề nghị của Thanh tra Bộ Tài chính?
+ Tình hình thị trường đã trở nên cực kỳ khó khăn trong năm 2009 với giá cả sữa nguyên liệu và đường tăng gấp đôi kể từ năm 2008. Trong suốt thời gian này, đồng tiền Việt Nam lại mất giá tới 10% so với đồng đôla Mỹ và chỉ số CPI mới nhất cho thấy lạm phát gia tăng với tốc độ 7%-10%. Trước tình hình này, việc bình ổn giá đối với các doanh nghiệp là một bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh giá sản phẩm 6%-15% để đảm bảo lợi nhuận.
Mead Johnson đã gánh chịu tất cả áp lực giá này và giữ mức giá bán ổn định trong hơn một năm rưỡi qua. Việc giảm giá hơn nữa là không thể khi Mead Johnson muốn đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.
. Xin cảm ơn ông.
Chị Phạm Châu Linh (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM): “Tôi rất phân vân khi báo chí gần đây liên tục đề cập Mead Johnson tăng giá sữa. Tôi đang dùng sản phẩm Enfa A+ cho ba đứa con và vẫn mua được giá ổn định trong hơn một năm nay. Tôi thấy các cháu ở nhà phát triển khỏe mạnh, lanh lợi, tôi vẫn yên tâm khi dùng sản phẩm uy tín của Mead Johnson. Đầu tư cho con thì tôi chẳng tiếc gì!” Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc nhà phân phối Tiên Tiến, đơn vị trực tiếp nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của Mead Johnson: “Với chất lượng tương đương, giá bán sản phẩm sữa lon Enfa A+ của Mead Johnson tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, Enfalac A+ lon 400 g giá bán lẻ tại Việt Nam khoảng 155.000 đồng (8,3 USD), Thái Lan giá 311 baht (9,2 USD), Philippines giá 451 peso (9,4 USD), Singapore giá 19,8 S$ (13,6 USD). Điều này cũng dễ hiểu bởi các nước có thu nhập bình quân đầu người khác nhau sẽ có giá cả chênh lệch trên cùng một mặt hàng. Gần đây có sự nhầm lẫn của báo chí khi so sánh sản phẩm Enfa A+ tại Việt Nam với dòng Enfa thường của các nước khác, giá chỉ khoảng 70% dòng A+, dẫn đến hiểu lầm là Enfa A+ Việt Nam đắt nhất trong khu vực.” |
NSĐT
(*) http://www.laodong.com.vn/Home/Gia-sua-nguyen-lieu-nhap-khau-tiep-tuc-tang-cao/200711/63878.laodong