Thu ngân sách của Đà Nẵng sẽ giảm khoảng 14.000 tỉ đồng

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng vừa kết luận một số nội dung trước kỳ họp thứ tư HĐND TP diễn ra từ ngày 15 đến 17-12.

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cho hay, kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2021-2025 sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế hiện nay. Theo đó, thu ngân sách TP Đà Nẵng sẽ giảm khoảng gần 14.000 tỉ đồng.

Thu ngân sách của Đà Nẵng sẽ giảm gần 14.000 tỉ đồng. Ảnh: TẤN VIỆT

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP chỉ đạo xây dựng chặt chẽ các phương án đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống hụt thu gắn với tăng cường các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các nguồn thu bền vững.

UBND TP Đà Nẵng phải thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu. Đồng thời, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách phù hợp với tốc độ tăng trưởng GRDP trung bình hàng năm.

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, xem xét mức phụ cấp và hỗ trợ hoạt động cho cán bộ không chuyên trách và người tham gia công việc tổ dân phố, thôn phù hợp với bối cảnh hiện nay.

UBND TP Đà Nẵng rà soát, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã cam kết tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp”. Đồng thời, sửa đổi bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn bất cập, doanh nghiệp chưa tiếp cận được (hỗ trợ lãi suất, xã hội hóa...).

Liên quan đến kỳ họp thứ tư HĐND TP Đà Nẵng sắp đến, Thường trực HĐND TP thống nhất chưa trình nội dung về chính sách hỗ trợ và chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân tham gia nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn.

Thường trực HĐND TP Đà Nẵng thống nhất thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư rút gọn đối với một số công trình dự án cấp bách, cần đầu tư sớm để phát triển của TP.

Thời gian qua, tại Đà Nẵng có tình trạng phát sinh kinh phí giải tỏa đền bù ở một số dự án trọng điểm, động lực.

Vấn đề này, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo trong quá trình lập chủ trương đầu tư các dự án yêu cầu phải phân tích, đánh giá kỹ về tính khả thi, hiệu quả đầu tư, phương án và chi phí giải phóng mặt bằng.

Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra rà soát, xác định khái toán kinh phí đền bù trước khi đưa vào tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo tính chính xác, hạn chế tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm