“Thứ trưởng thấy thế nào khi nhìn nông dân khóc?”

“Thứ trưởng thấy thế nào khi nhìn nông dân khóc?”
Dưa hấu ế, nông dân Quảng Ngãi đành để cho trâu, bò ăn - Ảnh: NLĐ

Với chủ đề phiên giải trình là “Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” thì vấn đề tổ chức thị trường thế nào để chặn đứng thương lái ăn chặn người nông dân, lũng đoạn thị trường như hiện nay của đại biểu An có vẻ hơi “xa”.

Mặt khác, câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm đã để nông dân trong suốt hàng chục năm qua cứ lặp đi lặp lại cảnh hễ được mùa thì rớt giá gần như đối với tất cả các nông sản... cũng đã được bà An trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sáng 1/4 vừa qua.

Nhưng, “hôm nọ anh Hoàng trả lời, tôi nói thật là chưa hài lòng, nên nhân hôm nay có Thứ trưởng, xin hỏi lại vì tôi vẫn rất bức xúc”, bà An hướng về Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại phiên giải trình.

Phần trả lời, Thứ trưởng Thoa cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường trong nước trong đó có phát triển thị trường thương mại nông thôn. Chương trình quy hoạch thương nhân thu mua nông sản lúa gạo cũng được Thứ trưởng Thoa nhắc đến.

Tiêu thụ sản phẩm bao giờ cũng phải có khâu trung gian nhưng làm sao khâu đó ngắn đi và quản lý được, bà Thoa nhấn mạnh.

"Đồng ý là trong có chế thị trường đương nhiên có nhiều loại thương lái, nhưng làm sao để có nhiều thương lái biết điều, đừng để thương lái ăn chặn, ép giá ép đủ mọi thứ để người nông dân phải khóc", đại biểu An thêm một lần đứng dậy.

Tiếp đó, vị đại diện cho dân này đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu cảm giác của đồng chí Thứ trưởng thế nào khi nhìn thấy một ông nông dân đứng trước mấy công ruộng bắp cải, bảo bán chỉ 500 (500 đồng/kg - PV) mà đổ đi thì cũng rớt nước mắt?”.

Bày tỏ chia sẻ với cái khó trong tổ chức thị trường khi chuyển từ kín và tĩnh sang mở và động của ngành công thương, song đại biểu An nhấn mạnh rằng “thế mới cần vai trò quản lý”.

Để lặp lại cảnh nông dân cứ được mùa thì rớt giá, cần cù hai sương một nắng mà thu nhập chưa cao, theo đại biểu An, thì lỗi cũng không phải của ngành nông nghiệp nhiều lắm mà lỗi ở tổ chức thị trường, của ngành công thương.

“Vì sao cứ để lặp lại đi lặp lại việc thương lái nước ngoài định hướng thị trường, mà định hướng một cách kỳ dị, mua chân trâu, rễ quế, đỉa, lá khoai lang… tôi xin hỏi đồng chí Thứ trưởng là bao giờ chấm dứt”, bà An sốt ruột.

Nhắc lại rằng đây là vấn đề vô cùng lớn, nữ đại biểu nói thẳng, câu trả lời dưa hấu ùn ứ là do cửa khẩu Tân Thanh hẹp hay do được mùa không thể thuyết phục được cử tri, và đại biểu cũng không chấp nhận được. Bà đề nghị, ngành công thương phải trả lời trước cử tri cả nước về giải pháp khả thi để tổ chức lại thị trường chứ không thể chờ đến tận năm 2020 mới hoàn thiện.

Theo Nguyễn Lê (VNEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm