Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc

Báo cáo trước Quốc hội (QH) sáng 21-10 về tình hình kinh tế, xã hội (KT-XH), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém lớn, trong đó có nguyên nhân “nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm phát triển vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách trên một số vấn đề còn ngập ngừng, thiếu nhất quán”.

Kinh tế từng bước được phục hồi

Theo Thủ tướng, trong ba năm qua (2011- 2013), nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đã kiềm chế được lạm phát, kinh tế vĩ mô dần ổn định. Bình quân ba năm, GDP tăng khoảng 5,6%/năm và quý sau cao hơn quý trước. Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi. Trong chín tháng năm 2013, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 ngàn DN hoạt động trở lại.

Dù vậy, Thủ tướng cho rằng KT-XH vẫn còn tám vấn đề liên quan đến những hạn chế yếu kém như: Bội chi cao hơn kế hoạch (5,3% GDP, vượt xa mức trần cho phép là 4,8%); việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu còn chậm, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán còn trầm lắng; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch; nợ xấu còn cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất”. Ảnh: TTXVN

Đối với việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng còn chậm; tái cơ cấu DN nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu... Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng… “Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục. Lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn” - Thủ tướng nói.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trên, Thủ tướng cho rằng ngoài những yếu tố khách quan còn do nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm phát triển đã được đề ra vẫn còn khác nhau. Điều này dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách trên một số vấn đề còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là về vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, sở hữu và quyền sử dụng đất đai...

Dành bội chi cho đầu tư và trả nợ

Đề cập đến mục tiêu tổng quát trong hai năm tới (2014-2015), Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong giai đoạn này, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 2.200-2.300 USD vào năm 2015.

Thủ tướng cũng đề nghị QH xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013-2014 là 5,3% GDP để dành cho đầu tư phát triển và trả nợ. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế theo lộ trình phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát và công khai, minh bạch…

Ngoài ra, Thủ tướng cho hay sẽ kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết và thực hiện triệt để tiết kiệm, nhất là trong hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản Nhà nước, đầu tư công, DN nhà nước và công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu. Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Để đạt được những mục tiêu trên, theo Thủ tướng, cần tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Kinh nghiệm bước đầu qua ba năm thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH (2011-2015) được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra là trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất để có chủ trương, chính sách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công vuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Quản lý chặt quỹ lương DN công ích

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2013. Lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là khi tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tăng tiền lương, tăng giá điện, than và dịch vụ công.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị năm 2014 cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục triệt để tình trạng đầu tư dàn trải và lợi ích cục bộ; chấm dứt tình trạng đầu tư vượt quá công năng và yêu cầu thực tế, nhất là việc xây dựng trụ sở quá lớn, phô trương, lãng phí, dành nguồn lực này vào phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các mục tiêu an sinh xã hội. Bên cạnh đó, rà soát lại các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan đến giá điện, kiên quyết sớm loại trừ các yếu tố tiêu hao, tổn thất, lãng phí trong cơ cấu tổ chức, quản lý; minh bạch hóa về cơ cấu giá thành giá điện.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy DN nhà nước hoạt động minh bạch, công khai. Rà soát, quản lý chặt chẽ quỹ lương của các DN nhà nước, DN công ích, bảo đảm tính hợp lý, công bằng và phù hợp với các quy định Nhà nước.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm