Thúc tiến độ cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm

“TP đang đốc thúc các nhà thầu cố gắng hoàn thành dự án thành phần số 4 - cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm sớm hơn một năm. Mục đích để có thể tiếp tục “xin” Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho dự án nhà máy xử lý nước thải có vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD” - ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM, cho biết.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa-Lò Gốm sẽ cải tạo 7,4 km kênh, xây mới 12 km đường và 10 cây cầu, lắp đặt cống thu gom nước thải… Tổng vốn đầu tư trên 146 triệu USD, trong đó WB tài trợ gần 129 triệu USD. Khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện ô nhiễm và giải quyết ngập cho lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm có diện tích gần 19 km2 ở các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú. Tuy nhiên, nước thải sinh hoạt của hàng trăm ngàn hộ dân vẫn tiếp tục xả thẳng ra kênh.

“Để xử lý ô nhiễm kênh Tân Hóa-Lò Gốm triệt để, phải đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải ở huyện Bình Chánh (vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD - NV). TP đang tìm kiếm nguồn tài trợ từ WB cho dự án nhà máy xử lý nước thải này. Nhưng việc WB có đồng ý hay không phụ thuộc rất lớn vào tiến độ của dự án thành phần số 4” - ông Liêm cho biết.

Thúc tiến độ cải tạo kênh Tân Hóa-Lò Gốm ảnh 1

Những hình ảnh này trên kênh Tân Hóa-Lò Gốm đang dần được xóa bỏ. Ảnh: MP

Cũng theo ông Liêm, hiệp định tín dụng đã ký với WB tài trợ cho dự án thành phần số 4 kết thúc vào cuối năm 2014 và WB đã cảnh báo sẽ không gia hạn. “Thời gian còn lại của dự án không nhiều nhưng hiện nhiều nơi vẫn chưa có mặt bằng để thi công” - ông Liêm e ngại.

Trong tổng số gần 2.000 hộ dân bị giải tỏa phục vụ dự án, quận 6 có tới 1.175 hộ nhưng đến nay chỉ giải tỏa được gần 700 hộ. Không như các dự án khác, ở dự án này người dân chủ yếu khiếu nại giá bồi thường kiến trúc chứ không phải giá đất. Bởi đơn giá bồi thường kiến trúc áp theo quy định từ năm 2008 là quá thấp, không đủ để người dân tái tạo phần kiến trúc tương đương nhà cũ.

“Quận sẽ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, thu hồi đất nhằm đảm bảo kế hoạch chung của toàn dự án. Tuy vậy, TP cần xem xét, tăng giá trị bồi thường về kiến trúc, hỗ trợ tiền tạm cư cho hộ tự lo nơi ở mới và bổ sung tiền thưởng cho các hộ dân chấp hành tốt để khuyến khích họ sớm bàn giao mặt bằng” - ông Trần Hữu Trí, Chủ tịch UBND quận 6, nói.

Tháng 6, xong tiếp một phần đường Trường Sa, Hoàng Sa

Ngày 10-5, ông Ngô Bá An, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, cho biết: Khoảng 5 km đường Trường Sa, Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè sẽ được hoàn thiện trong tháng 6.

Hiện phần đường Trường Sa, Hoàng Sa đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Trần Khánh Dư đang được thảm nhựa mặt đường, lát vỉa hè. Đoạn còn lại từ cầu Trần Khánh Dư đến đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài tương đương cũng đang được gấp rút thi công để kịp hoàn tất trước ngày 2-9. Khi đó mặt đường Trường Sa, Hoàng Sa sẽ được mở rộng thành ba làn xe, có vỉa hè, cây xanh, đèn chiếu sáng.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm