Thưởng nóng vụ cô gái giao gà: Sai!

Tuy vậy, lời khẳng định ấy vẫn không thể đánh tan được dư luận đang rất không ưng về việc khen thưởng trong trường hợp này.

Trước đó, một lãnh đạo UBND tỉnh này cũng cho rằng việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyên án trên là đúng quy định.

Một câu hỏi cần tiếp tục đặt ra: Vì sao lãnh đạo tỉnh phải liên tục lên tiếng “đúng quy định, xứng đáng” mà mọi người vẫn cứ không bằng lòng?

Theo cách hiểu thông thường, khen thưởng là sự tán dương + cho tiền của (hay chức tước) đối với người có công trạng, làm được việc hay. Vậy trong vụ án này công an đã “có gì hay” để chính quyền quyết định khen thưởng?

Hiện trường nơi phát hiện thi thể cô gái giao gà bị sát hại. Ảnh: PLO

Có hai nội dung cần được mổ xẻ trước khi ra câu trả lời.

Một là công an có đáng trách hay không khi không thể giải cứu cô gái?

Chỉ sau hai giờ mất liên lạc vào tối 30 Tết là gia đình cô gái đã đi trình báo với công an. Thế mà nghiệt ngã vô cùng khi hơn hai ngày sau cô gái đã bị các hung thủ thay nhau hiếp dâm, bắt giữ trái phép và cuối cùng là giết hại để bịt đầu mối. Liệu có phải là nếu việc tiếp nhận thông tin mất tích được xử lý kịp thời, tích cực thì rất có thể cô gái đã không phải chết tức tưởi… như cách đặt vấn đề của nhiều người?

Không như một số vụ trọng án khác, tin báo ban đầu của gia đình không cho thấy ngay đã/sẽ có nhiều hành vi phạm tội xảy ra để có sự tập trung truy lùng cao độ. Bước đầu - theo lời của trưởng ban chuyên án - công an địa phương đã tìm kiếm, rà soát, xác minh nhiều phương án (như cô gái có mâu thuẫn với ai không, có bỏ nhà đi chơi không…). Tiếc là kết quả đã không đạt được do các hung thủ quá ma mãnh, táo tợn.

Dẫu rất không hài lòng với một kết thúc đau đớn nhưng không thể vì thế mà vội đặt vấn đề công an địa phương thiếu trách nhiệm khi họ đã vào cuộc trong hạn định (24 giờ kể từ lúc tiếp nhận tin) và hiện không có bằng chứng về sự lơ là, trễ nải.

Chân dung 5 kẻ thủ ác vụ cô gái giao gà bị sát hại. Ảnh: PLO

Hai là công an có dở hay không khi đã khai quật để khám nghiệm lại tử thi?

Qua phát hiện của người dân về xe máy và thi thể cô gái (không mặc quần dài, chỉ có quần lót…), Công an tỉnh Điện Biên đã xác lập chuyên án để tập trung lực lượng của nhiều nguồn nhằm nhanh chóng phá án.

Từ tình trạng trên của nạn nhân, lập tức có nhiều nghi vấn về năng lực phán đoán, điều tra của công an địa phương. Bởi lẽ lúc đầu công an chỉ khởi tố tội giết người, cướp tài sản và mấy ngày sau họ mới khởi tố bổ sung tội hiếp dâm (cùng tội bắt giữ người trái pháp luật, tàng trữ trái phép chất ma túy). Mặc dù có những trường hợp thủ phạm giở trò đánh lạc hướng điều tra và có thể còn có những lý do thuộc về nghiệp vụ… nhưng trong vụ này đã khám nghiệm tử thi mà lại khởi tố như vậy thì rõ là từ đầu đã không xác định cho đầy đủ.

Điều đáng nói là đã có việc phải khai quật để khám nghiệm lại tử thi. Giám đốc công an tỉnh nêu lý lẽ: Do kết quả điều tra, tài liệu, chứng cứ và lời khai của các đối tượng còn nhiều mâu thuẫn nên cơ quan điều tra buộc phải thực hiện yêu cầu của VKS là khai quật lại để làm rõ hơn…

Đến giờ kết quả khám nghiệm tử thi của hai lần vẫn chưa được công bố để làm rõ hơn mục đích phải khai quật tử thi. Thế nên giải thích trên của giám đốc công an tỉnh không thể loại bỏ suy nghĩ của số đông là ban chuyên án đã không lường trước được các tình huống phức tạp của vụ án, là lần đầu đã chưa giám định hết các chi tiết mà lẽ ra phải làm.

Và vì thế việc khai quật tử thi để khám nghiệm lại dù không sai luật định nhưng làm sao có thể nói là không dở!

Có một thông tin pháp lý khác cần được lưu ý thêm. Theo Nghị định 91/2017 thì khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất; thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải làm.

Luật Công an nhân dân có giao cho công an nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, việc tìm ra các thủ phạm - nhất là khi đã xác định có trọng án nhờ “mắt, miệng” của người dân nên bắt buộc phải dồn sức phá án - có là thành tích đạt được ngoài nhiệm vụ của ban chuyên án để phải khen thưởng nóng?

E là nếu căn ke “ngoài nhiệm vụ phải làm” thì không chỉ Điện Biên mà nhiều tỉnh, thành khác từng khen thưởng nóng lực lượng điều tra về những việc làm đương nhiên sẽ giật nảy vì có thể đa số đã làm không đúng quy định. Có lẽ Bộ Nội vụ nên có ý kiến chi tiết về việc này để các nơi thực hiện chặt chẽ.

Trước mắt, cần phải thấy là không nên khen thưởng nóng cho lực lượng phá án ở Điện Biên. Không phải vì “đã có sự ăn mừng trước cái chết của người khác” như nhiều nhận xét “ác mồm”, vì chuyện nào ra chuyện đó. Đơn giản chỉ là tuy có thể không làm sai nhưng họ đã không đủ giỏi để xử lý tốt vụ án.

Trong trường hợp thấy cần có sự động viên, khích lệ đối với những vất vả ngày đêm trong Tết để phá án thì tỉnh có thể tính toán bồi dưỡng công sức để không trái với Nghị định 91.

Đề nghị này cũng dành cho nhiều tỉnh, thành khác để tới đây các quyết định khen thưởng nóng liên quan đến lực lượng công an có sự chọn lọc kỹ càng, thuyết phục hơn về những công trạng vượt trội, tránh lạm phát, điều tiếng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm