Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe

Ông Trần Đáng - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông cho rằng hiện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe như sử dụng hóa chất bảo quản, ngâm tẩm hàm lượng cao để tẩy mùi hôi thối, sẽ gây độc cho người tiêu dùng nếu hàng hóa lọt ra được thị trường...Đó là ý kiến của nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Đáng khi trao đổi với PV về tình trạng mất an toàn về thực phẩm. Mở đầu cuộc trao đổi, ông Đáng nói: - Theo dõi mười năm qua, hầu hết những vụ việc liên quan đến mất an toàn vệ sinh thực phẩm đều do báo chí phát hiện, rồi từ đó cơ quan quản lý vào cuộc. Nhìn lại vụ thịt thối mà báo Tuổi Trẻ vừa phản ánh, tôi thấy có rất nhiều sai phạm về phương tiện bảo quản, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe như sử dụng hóa chất bảo quản, ngâm tẩm hàm lượng cao để tẩy mùi hôi thối, sẽ gây độc cho người tiêu dùng nếu hàng hóa lọt ra được thị trường. Những sản phẩm thịt đã bị biến chất như thế còn có nguy cơ ô nhiễm độc tố, như độc tố tụ cầu vàng đun sôi ở 100OC trong vài chục phút cũng không chết. Tôi cho là nếu tích cực phát hiện thì những vụ việc như thế này còn nhiều. * Chúng ta có Luật an toàn thực phẩm, có pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều văn bản hướng dẫn, rồi có ban chỉ đạo liên ngành trung ương, nhưng vì sao cứ thỉnh thoảng lại bùng lên một vụ thực phẩm không an toàn?- Cái sơ hở hiện nay là quy định trong Luật an toàn thực phẩm còn chồng chéo. Trước đây pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm và các nghị định hướng dẫn đã tiếp cận gần với thực tế: chưa thành thực phẩm thì bộ chuyên ngành quản, thành thực phẩm thì Bộ Y tế quản. Nhưng đùng một cái, khi ra luật thì những quy trình này bị mất tác dụng.

"Vai trò địa phương rất quan trọng.Tôi nhớ trước đây có yêu cầu tuyến phố an toàn thực phẩm ở sáu phường tại Hà Nội, các ông chủ tịch phường vào cuộc thì chất lượng thức ăn đường phố khá hẳn lên. Ở các chợ, ban quản lý cũng phải có trách nhiệm, có hàng hóa kém chất lượng là cách chức ban quản lý. Nhưng ai làm, ai cách chức, có những vụ vi phạm rõ ràng, công bố rộng rãi còn chưa thấy cách chức người nào..."

Chẳng hạn, điều 62 của luật quy định Bộ Y tế chỉ quản lý năm ngành hàng là nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng... Những đồ ăn thức uống hằng ngày, như rau như thịt lại không phải Bộ Y tế mà là do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Cái gì cũng phải ba bộ quản lý (Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương), một quầy hàng thực phẩm cũng liên quan đến ba bộ. Nhiều nhưng không chặt chẽ, điều 65 của luật quy định chính quyền địa phương chỉ quản lý thức ăn đường phố. Không có ai sâu sát bằng địa phương, lẽ ra việc mất an toàn thực phẩm xảy ra ở địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm, nếu địa phương tích cực sẽ không xảy ra mất an toàn thực phẩm. Thực tế, theo tôi, địa phương chưa tích cực, có nơi 300 người ngộ độc, lãnh đạo địa phương không bị làm sao. Chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm cũng chưa nghiêm, xử phạt hành vi vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm còn bất cập nếu thực phẩm ô nhiễm hóa chất, nhiều năm sau chất độc mới phát tác thì không biết xử lý thế nào. Trên thực tế có không ít vụ vi phạm an toàn thực phẩm, nhưng chẳng mấy ai bị xử phạt hoặc người có trách nhiệm quản lý, kiểm tra bị trừ lương, nên chưa làm gương được cho xã hội. * Hiện đã có thanh tra vệ sinh thực phẩm nhưng mất an toàn thực phẩm vẫn kéo dài, gây bức xúc cho người dân...- Tôi nhớ trước đây có một cuộc họp có cả đại diện Thanh tra Chính phủ. Có ý kiến là nếu Luật thanh tra chưa đề cập, vẫn có thể xây dựng thanh tra chuyên ngành thực phẩm đến tận tuyến xã. Thanh tra vệ sinh thực phẩm rất cần thiết, một thanh tra chuyên ngành cho khoảng 10.000 dân là chấp nhận được, thủ đô Bangkok của Thái Lan có hàng ngàn thanh tra. Chúng ta hiện cũng có thanh tra chuyên ngành, nhưng số lượng chưa đủ, ở địa phương đều đã có chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng có nơi còn chưa có cả văn phòng, phải đi ở nhờ. Khi nói về lý do thỉnh thoảng lại bùng lên một vụ thực phẩm không vệ sinh, không an toàn, mọi người hay nói đến nguyên nhân khách quan, như sản xuất của chúng ta là nhỏ lẻ, thủ công, có nơi còn lộn xộn, hạ tầng cơ sở của chúng ta còn hạn chế, nhưng đúng là cần phải đề cập trách nhiệm của cơ quan thanh tra chuyên ngành về thực phẩm. * Có luật nhưng ông cho rằng luật còn sơ hở, thanh tra lại thiếu. Theo ông, cần phải làm gì để có thể cải thiện tình trạng mất an toàn về thực phẩm?- Theo tôi, cái quan trọng hiện nay là phải có bộ máy hoàn chỉnh từ trung ương đến tuyến xã. Bộ máy này đủ về số lượng, có năng lực, có trang thiết bị. Thứ hai là hệ thống thanh tra chuyên ngành, có ý kiến thanh tra nhiều thì sợ thế này thế kia, nếu “thế này thế kia” thì có pháp luật xử lý. Có thanh tra chuyên ngành thực phẩm làm liên tục, thường xuyên, chế tài thật nghiêm, trong chợ có bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không an toàn cứ cách chức ban quản lý chợ, làm được như vậy chắc chắn tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ đỡ hơn. Nếu cứ làm như hiện nay, lâu lâu mới kiểm tra phát hiện sai phạm rồi xử lý (thường là nhẹ, là nhắc nhở); sau đó lại phát hiện sai phạm, lại xử lý, cứ bùng nhùng như thế, bục đâu đánh đấy, không thể giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Theo LAN ANH (TTO) thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm