Không chỉ ngành tòa án xét xử thiếu thống nhất, ngay cả các chuyên gia cũng tranh cãi về việc này…
Vấn đề báo nêu xảy ra tương đối phổ biến. Chung quy cũng là do chưa có hướng dẫn của các cơ quan tố tụng ở trung ương. Theo chúng tôi, việc tịch thu sung công hay trả lại số tiền “lừa chạy án” cần phân biệt như sau:
Đã là “chạy án” thì phương tiện dùng để phạm tội là tiền hay tài sản theo Điều 76 BLTTHS đều là vật chứng của vụ án. Vấn đề quan trọng ở đây là phải xác định vật chứng đó có thuộc trường hợp bị tịch thu sung công hay không?
Một người đưa tiền cho người khác “chạy án” là hành vi đưa hối lộ theo Điều 289 BLHS bởi ý thức chủ quan của họ khi đưa tiền là nhằm để đưa hối lộ và họ biết điều đó nhưng vẫn thực hiện. Việc họ bị lừa không phải là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự. Họ chỉ được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp bị ép buộc đưa hối lộ và chủ động khai báo trước khi bị phát giác hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác (khoản 6 Điều 289 BLHS).
Việc các cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đưa tiền cho người khác “chạy án” mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS là bỏ lọt tội phạm! Về số tiền nhằm mục đích đưa hối lộ, chỉ trong trường hợp người đưa tiền được loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự thì họ mới được nhận lại toàn bộ hoặc một phần.
Mặt khác, trong các vụ “lừa chạy án”, người bị hại có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của BLTTHS nhưng không vì thế mà cho rằng tài sản mà họ bị người khác lừa đảo đều hợp pháp. Ví dụ: A trộm một chiếc máy tính xách tay nhưng lại bị B lừa chiếm đoạt mất. A là người bị hại trong vụ án lừa đảo mà B là bị cáo nhưng chiếc máy tính xách tay thì không thể trả lại cho A được vì đó là tài sản do A trộm cắp mà có.
Như vậy, nếu những người bị lừa không thuộc trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 289 BLHS thì không được nhận lại số tiền đã đưa cho bị cáo để “chạy án”.
Khi nào được trả lại tiền? Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. (Theo khoản 6 Điều 289 BLHS) |
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao