Tiếng Việt của con

Và bây giờ, ở tuổi lên ba, mỗi khi đi học về, con liến thoắng kể chuyện ở trường cho mẹ bằng tiếng… Hung. Thế là, mỗi khi mẹ con mình nói chuyện thì đoạn hội thoại bao giờ cũng là Hung – Việt – Việt – Hung (con nói một câu gì đó bằng tiếng Hung – mẹ hỏi lại: “Tiếng Việt nói thế nào?” – con nói lại bằng tiếng Việt, sau đó nói thêm một câu khác bằng tiếng Hung). Và cứ thế mà chạy marathon với nhau. Nhiều lúc mẹ mệt, mẹ nản, mẹ làm biếng, mẹ tính kệ cho con nói tiếng Hung, mẹ không sửa. Hoặc là mẹ cứ trả lời các câu hỏi của con cho xong chuyện (tuổi này một ngày con có thể hỏi hàng trăm câu hỏi mà không biết mệt hay chán). Nhưng rồi mẹ lại nhớ đến gương mặt vui mừng của ông ngoại mỗi khi con chào ông trên Skype: “Cháu chào ông ngoại. Ông làm gì đấy?”, và mẹ lại thở một hơi, tiếp tục… marathon. Cũng may làm sao, mỗi khi mẹ làm biếng, trả lời con bằng tiếng Hung thì bố nhắc ngay: “Nói tiếng Việt đi!” (bố nói tiếng Việt chuẩn nhất mỗi câu này!).

Tiếng Việt của con ảnh 1

Để con nói được tiếng Việt là một cuộc chạy marathon không ngừng nghỉ của mẹ - Ảnh N.TÝ

Như để đền bù nỗ lực “chạy đua” của mẹ, thỉnh thoảng con hứng chí lên gọi “Mẹ ơi!”, thay vì “Anya” (“mẹ” – tiếng Hung), nghe dịu dàng âu yếm làm sao. Mỗi khi mẹ giận thì con hét tướng lên: “Con yêu mẹ!” Mỗi tối trước khi đi ngủ, câu nói con dành cho mẹ bao giờ cũng là “Chúc mẹ ngủ ngon”. Nhiêu đó là đủ tiếp sức cho mẹ trong quãng đường dài gìn giữ vốn tiếng Việt cho con...

Bé Dukkon Evelin Lam An, ba tuổi, con gái chị Nguyễn Thị Vân Trang. Gia đình chị Vân Trang hiện đang sống ở Budapest (Hungary). Câu chuyện và hình ảnh do chị Vân Trang gửi về cộng tác, cũng là “món quà tinh thần” vợ chồng chị gửi cho ông bà ngoại ở Việt Nam.

Theo Nguyễn Thị Vân Trang (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm