Tìm cách chặn sách rác

“Gần đây, dư luận nóng lên về những cuốn sách nhảm, sai sự thật gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy cần nhận rõ thực trạng và phân tích đâu là nguyên nhân của những hiện tượng sai trái trong làng xuất bản, đề xuất và tìm ra những giải pháp cùng nhau góp phần khắc phục những vấn nạn vừa qua. Mặt khác cũng giúp ngành xuất bản phát triển đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và khai dân trí cho nước nhà”. Đó là lời đề dẫn do ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chủ tọa buổi tọa đàm “Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên, thực trạng và giải pháp” do Hội Xuất bản Việt Nam và Sở TT&TT TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 21-1 tại TP.HCM.

Nhà xuất bản chỉ đủ vốn làm ba cuốn sách

Để tìm ra nguồn gốc ra đời những cuốn sách nhảm, sách rác, phóng viên Lưu Hà báo VnExpress đã chia sẻ câu chuyện bếp núc tại một đơn vị liên kết làm sách: “Nhà sách chỉ có 4-5 người, được gọi là biên tập viên (BTV). Nội dung sách chỉ cần “xào nấu” từ nhiều cuốn sách có nội dung tương tự nhau. Khi đã hoàn thiện xong một cuốn sách sẽ có người chạy giấy phép. Công ty sách làm mọi khâu, từ chọn sách, liên hệ mua bản quyền, triển khai dịch, biên tập, thiết kế bìa đến dàn trang... Cuối cùng, họ mới cần đến nhà xuất bản (NXB) để có một cái giấy phép khai sinh cuốn sách. Có NXB đọc qua bản thảo, duyệt kỹ nội dung lẫn bìa rồi mới cấp phép. Có NXB hầu như chỉ soát lỗi chính tả. Nhưng cũng có những NXB không làm gì, chỉ bán giấy phép. Đó là mối quan hệ cộng sinh giữa một bên có tất cả chỉ thiếu cái giấy phép và một bên thiếu tất cả chỉ có cái giấy phép”.

Theo ông Lê Thanh Hà, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm, phần đông các NXB tình hình tài chính khó khăn, thậm chí không đủ tiền thuê nhà. Để tồn tại, NXB làm mọi cách để có thu nhập, trong đó thu nhập nhẹ nhàng nhất là từ phí cấp phép xuất bản. Phải cấp nhiều giấy phép để có thu nhập và xây dựng bộ máy siêu gọn nhẹ. Gọn nhẹ tới mức không đủ để làm việc nên phải đặt toàn bộ số phận của mình vào công việc của các đối tác liên kết.

Theo ông Đỗ Quý Doãn, Hội trưởng Hội Xuất bản, nhìn nhận: “75% NXB hiện nay có số vốn dưới 2 tỉ đồng, chưa đủ để làm ba, bốn cuốn sách nên đối tác liên kết phải gánh thay. Sách nhảm, kém chất lượng thời gian qua một phần do đội ngũ BTV của các NXB thiếu năng lực. “Trước đây, nói đến đội ngũ BTV của NXB là nói đến tên tuổi, là thương hiệu. Tác giả cuốn sách đưa đứa con tinh thần cho BTV là cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, năng lực của đội ngũ này hiện nay hạn chế. Sức của anh chỉ gánh được 10 cân mà gánh cả 100 cân thì xảy ra sai sót là khó tránh khỏi” - ông Doãn nói.

Tìm cách chặn sách rác ảnh 1

Ông Đỗ Quý Doãn, Hội trưởng Hội Xuất bản, nhìn nhận 75% NXB hiện nay có số vốn chưa đủ để làm ba, bốn cuốn sách nên đối tác liên kết phải gánh thay. Ảnh: H.VI

Tìm cách chặn sách rác ảnh 2

Những sách liên kết sai phạm. Ảnh: H.VI

Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

Đại diện Cục An ninh Thông tin, Truyền thông (A87) - Bộ Công an góp thêm: “Nguyên nhân xuất hiện sách có nội dung sai phạm, ảnh hưởng đến giới trẻ thời gian qua chính là có quá nhiều NXB khó khăn, sẵn sàng thanh gọn các khâu biên tập bản thảo, rút ngắn thời gian cấp phép, không cần hậu kiểm để cạnh tranh với các NXB khác thu hút đối tác liên kết”. Vì vậy mà đại diện này góp ý cần quy hoạch, điều chỉnh lại số lượng, chất lượng của các NXB theo một kế hoạch tổng thể trong chứ không dừng lại ở việc sai phạm rồi xử phạt.

Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành, Bộ TT&TT, các đối tác liên kết làm ra các cuốn sách nhảm, sai sự thật hiện nay có ba nhóm chính: Nhóm lợi dụng các NXB để thu lợi từ sách bất chấp nội dung, trình bày; nhóm núp bóng sau lưng NXB để làm sách và nhóm chọn thời cơ đánh úp vài ba cuốn sách rồi biến mất. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa các nhóm này ra ánh sáng và xử phạt. Không để tình trạng các nhóm này “ăn ốc” lại bắt NXB, cơ quan quản lý nhà nước và cả xã hội phải đi “đổ vỏ”” - ông Hòa nói. Cụ thể trong quý I và quý II-2015, Thanh tra Cục Xuất bản - In và Phát hành sẽ ra quân kiểm tra rà soát tất cả NXB trên cả nước, trong đó có những NXB thường xuyên để xảy ra sai phạm để làm lành mạnh hoạt động xuất bản.

Trong năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 399 xuất bản phẩm vi phạm. Các lỗi vi phạm thường gặp là: Vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; sai sót về kiến thức; sự kiện, nhân vật lịch sử; sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung xuất bản phẩm, gây phản cảm; sách tham khảo học sinh có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng không được biên tập, chỉnh sửa cho phù hợp với việc giáo dục...

________________________________________

Đề nghị cần đóng bớt hoặc sáp nhập NXB yếu kém. Hiện cả nước có 63 NXB nhưng tôi nghĩ chỉ có 2/3 NXB nghiêm túc, thực sự có bộ máy. Có NXB không có nổi BTV giỏi nghề. Cục Xuất bản, Bộ TT&TT cần có những biện pháp đào tạo lại lãnh đạo NXB và các BTV.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG,
Tổng Giám đốc Công ty Thái Hà