Tìm giải pháp bảo vệ tài nguyên nước cho TP.HCM

Tuy nhiên, dưới tác động của quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến nguồn nước ở TP.HCM tìm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Thực tế hiện nay, vẫn còn bộ phận người dân chưa ý thức đầy đủ về việc bảo vệ môi trường. Tình trạng ném rác bừa bãi, đổ nước thải thẳng xuống dòng kênh, khai thác nước ngầm… còn xảy ra phổ biến.

Vẫn còn nhiều tồn tại

Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đang là nguồn cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt của TP.HCM (chiếm 94%). Tuy nhiên, BĐKH, tình trạng lấn chiếm, xả rác bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống kênh rạch… đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

Nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy góp phần giảm ô nhiễm môi trường

Mới đây, trong báo cáo của Chính phủ về tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng sông lớn cho thấy nhiều đoạn hạ lưu ở sông Sài Gòn ô nhiễm vượt mức cho phép. Theo đó, kết quả quan trắc ở các khu vực này có thông số COD, BOD5, Amoni vượt giá trị giới hạn. Cụ thể, các điểm quan trắc tại cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật) và cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) chất lượng nước vẫn ở mức xấu.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến nguồn nước tại TP.HCM bị ô nhiễm. Trong đó, nguyên nhân đứng đầu vẫn là nước thải sinh hoạt, tiếp đó là từ công nghiệp, chăn nuôi, y tế và nước rỉ từ các bãi rác. Nói về vấn đề này, chị T.K (ngụ quận Gò Vấp) cho rằng, quan trọng hơn hết là ý thức của một bộ phận người dân còn thấp. Vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi ra kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy; xả nước thải trực tiếp ra kênh… khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm. “Vài người có thói quen sử dụng thùng xốp đựng rác nhưng không lấy vào. Khi trời mưa, thùng xốp, bao ny lon trôi nổi đọng ngay ống cống, gây tắt nghẽn, đó là chưa kể đến việc một số nhà nuôi súc vật cho ra đường phóng uế, mưa xuống khiến phân thải hòa vào dòng nước rất ô nhiễm”, chị T.K nói.

Cùng quan điểm trên, anh H.N (quận 8) chia sẻ: “Tôi nghĩ quan trọng là ý thức người dân thôi, cái gì cũng đem đổ xuống kênh, tiết kiệm chút tiền thay vì đem ra cho xe rác thu gom thì lại bỏ không đúng chỗ như vậy, rồi ô nhiễm, rồi sinh ra bệnh tật, tự mình hại mình không thôi”.

Cần một chiến lược lâu dài

Trước những vấn đề còn tồn tại, TP.HCM cần quy hoạch tổng thể tài nguyên nước; lồng ghép khả năng cung cấp của nguồn nước vào quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kiểm kê đánh giá tài nguyên nước và cân bằng kinh tế nguồn nước; xây dựng, ban hành chiến lược bền vững về nguồn tài nguyên nước. Bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước ngầm, cả lượng và chất. Dự kiến, đến năm 2021, TP.HCM sẽ có 12 trạm quan trắc môi trường nước tự động, trong đó 8 trạm trên sông Đồng Nai và Sài Gòn, 4 trạm trên hệ thống kênh rạch.

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải giúp tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường

Ngoài ra, TP.HCM cần tăng cường và tranh thủ sự hợp tác của quốc tế, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để thực hiện việc trồng rừng, phát triển nguồn tài nguyên nước trên khu vực đầu nguồn, đảm bảo khả năng sinh thuỷ, giảm thiểu tác hại của BĐKH. Xây dựng kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trên địa bàn thành phố. Thực hiện kế hoạch nhằm làm thay đổi cách nhìn nhận về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước... Thực hiện tốt Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Để đảm bảo bền vững về nguồn cấp nước, cần phải có một chiến lược phát triển cấp nước lâu dài và kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của các công ty cấp nước mà cần phải có sự định hướng của chính quyền và sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan. Ngoài trách nhiệm quản lý và hướng dẫn mọi hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ theo các quy định chung của pháp luật, chính quyền cần có sự quy hoạch phát triển, khai thác, cân đối sử dụng nguồn nước hợp lý đảm bảo sự phân phối hài hòa nguồn nước sạch cho các nhu cầu sinh hoạt của người dân trong bối cảnh BĐKH như hiện nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm