Tìm không ra shipper giao hàng ở TP.HCM dù giá cước cao

Do quy định hoạt động trong lĩnh vực giao hàng khá nghiêm ngặt, cùng với nỗi lo sợ lây nhiễm COVID-19 cao nhiều tài xế giao hàng tại TP.HCM tắt ứng dụng, tạm dừng nghề.

Điều này cũng khiến cho nhiều người dân, cửa hàng, thậm chí là siêu thị phải đỏ mắt tìm kiếm shipper, dù giá cước khá cao.

Người mua, người bán đỏ mắt tìm shipper 

Chị Phương Dung (quận Tân Bình) cho biết, chị đặt mua gạo cùng các mặt hàng thiết yếu khác từ một cửa hàng thuộc quận Tân Bình trên ứng dụng Grab, nhưng hơn 4 tiếng vẫn không có một tài xế nào nhận đơn.

"Nếu như bình thường, việc đặt hàng nơi tôi sống rất thuận tiện, thì giờ đây, nhất là từ khi có yêu cầu tài xế chỉ được giao trong quận đối với các mặt hàng thiết yếu, thì tôi đỏ mắt tìm shipper, dù giá cước phí đã tăng gần gấp 2 lần so với bình thường"- chị Dung bày tỏ.

Người dân đỏ mắt tìm tài xế giao hàng. Ảnh chụp màn hình

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO Di động Việt, thành viên ban điều hành chương trình siêu thị thực phẩm chia sẻ Foodshare cho biết, trong những ngày rất khó để tìm được tài xế giao hàng trong khi hàng trăm đơn hàng rau củ của người dân đang xếp hàng chờ.

Trước đó chương trình cũng phải tạm ngừng bán hàng online vì không có người giao hàng, chỉ còn vài điểm có nhận đơn với giá trị mua hàng từ 300.000 đồng trở lên

"Mỗi một ngày, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn hàng của bà con, cả ở khu cách ly lẫn ở khu bình thường song không tìm được tài xế để giao hàng. Các shipper bị phạt nhiều, nên họ trở nên e dè và không hoặc chỉ vài tài xế nhận đơn hàng, dù là giao trong quận"- anh Đạt cho biết

Trao đổi vớiPLO, Anh Nhât Huy, tài xế của hãng AhaMove chia sẻ: "Shipper rất cực, thu nhập không đủ tiền nộp phạt nếu vi phạm quy định hiện nay của TP.HCM, thêm vào đó việc giao hàng cũng khiến tôi gặp phải nhiều rủi ro lây nhiễm nên dù được cấp các giấy tờ để đi đường rồi nhưng tôi vẫn tạm thời tắt ứng dụng, nghỉ ngơi vài ngày".

Anh cũng cho biết hiện nay các shiper như anh rất lúng túng trong việc không biết rằng sản phẩm của mình có phải là hàng hóa thiết yếu hay không, nên không ít các tài xế đã tắt ứng dụng, tạm nghỉ.

Siêu thị, sàn thương mại điện tử cũng loay hoay tìm shipper

Không chỉ người dân, các cửa hàng bán lẻ mà siêu thị cũng trở nên gặp khó trong vấn đề lưu thông hàng hóa đối với các đơn hàng online. 

Đại diện Saigon Co.op thừa nhận cái khó hiện nay chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân. Bởi theo vị này, do các quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển đang rất hạn chế do đó nhiều shipper công nghệ đã tắt ứng dụng không nhận đơn.

Lo sợ an toàn cũng như các quy định nghiêm ngặt đảm bảo an toàn mùa dịch, các tài xế trở nên dè dặt hơn khi nhận đơn hàng. Ảnh: Thu Hà

"Điều này dẫn đến việc giao hàng cho khách đang gặp rất nhiều khó khăn"- đại diện này cho hay.

Nhiều siêu thị như Emart, Lotte Mart, Aeon Mall, Tops Market... cũng tạm ngừng nhận đơn hàng online, một phần do quá tải, một phần do không tìm được tài xế giao hàng.

Sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki... cũng gặp khó khi phải liên tục đưa ra thông báo xin lỗi khách hàng khi giao hàng chậm trễ. Đại diện Sendo cũng thừa nhận, việc giãn cách xã hội cùng với các quy định an toàn trong vận chuyển hàng hóa, ít nhiều gây ảnh hưởng tới thời gian giao hàng.

Chị Khánh Hạ (Gò Vấp) cho biết, chị đặt một chai mật ong trên 1 sàn TMĐT nhưng tới nay đã hơn 14 ngày chị vẫn chưa nhận được hàng, phía sàn cho biết nguyên nhân là do phía đơn vị giao hàng chưa thể phân phối hàng tới shipper đề lưu thông hàng hóa.

 

Các đơn vị nỗ lực thúc đẩy lưu thông hàng hóa

Trao đổi với PLO, đại diện hãng Ahamove thông tin hiện nay các yêu cầu đặt hàng tại hãng tăng cao hơn 10 lần so với thông thường. Trong khi đó số lượng shipper cũng bị giới hạn hoạt động theo yêu cầu của TP, một số khác không thể hoạt động do đang ở các khu cách ly tập trung, khu phong toả, điều này đã gây ra khó khăn trong việc đặt đơn hàng của khách hàng.

Theo đó để đảm bảo quá trình vận chuyển được thông suốt, hãng này cho biết đơn vị sẽ giới hạn mức tăng giá giao hàng tối đa ở quanh 1.5 lần giá cước thông thường.

Hiện đơn vị này cũng gửi danh sách các shipper được hoạt động tới cơ quan chức năng ở Hà Nội và TP.HCM, đồng thời giảm số lượng tài xế hoạt động theo đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng thành phố, bao gồm gần 2.000 shipper ở Hà Nội và 15.000 shipper ở TP.HCM.

Còn đối với ứng dụng giao hàng Loship, vị đại diện hãng này cho biết để khuyến khích tài xế hoạt động trong giai đoạn khó khăn, Loship tăng gấp đôi thu nhập tối thiểu trên mỗi đơn hàng. Điều này nhằm động viên shipper có thể yên tâm hơn trong việc giao hàng thiết yếu cho khách.

Đội ngũ nhân viên cũng tăng công suất để hoàn thành bộ nhận diện theo đúng quy định của Sở Công Thương và chịu toàn bộ chi phí thực hiện, đồng thời đơn vị này này đang cố gắng danh sách tài xế để tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất.

Ngày 28-7 vừa qua, trong công văn của UBND TP.HCM về việc kiểm soát di chuyển trong thời gian TP HCM thực hiện Chỉ thị 16, có đề cập đến nội dung các shipper thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 được phép di chuyển liên quận, huyện, TP Thủ Đức.

Theo các đơn vị vận chuyển, các ứng dụng giao hàng, nội dung này phần nào tháo gỡ được vướng mắc trong nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm