Tin mới vụ điều dưỡng cấp cứu bệnh nhân trên sàn nhà

Ngày 5-7, một số tờ báo đưa thông tin ĐD Thái Thị Thanh bị BV Ung bướu TP.HCM kỷ luật bằng hình thức tạm ngưng công tác do cấp cứu bệnh nhân trên sàn nhà, thực hiện không đúng quy trình cấp cứu.

TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh nhân Phạm Thị Bích Liên (60 tuổi) bị ung thư phổi đã di căn xương, não, suy thận, ung thư cổ tử cung và buồng trứng. Bệnh nhân được điều trị tại khoa Nội 1 của BV.

Ngày 4-6, do thời tiết nóng nực, hai bệnh nhân nằm ghép một giường rất nóng nên bệnh nhân Liên đã trải chiếu xuống sàn nhà nằm cho mát. Ngay thời điểm đó, bệnh nhân lên cơn co giật, lơ mơ, ĐD Thanh nhanh chóng báo với bác sĩ và thực hiện đường truyền ngay cho bệnh nhân đang nằm trên sàn nhà mà không mang khẩu trang và bao tay theo quy định.

TS-BS Diệp Bảo Tuấn (bìa trái) đang trao đổi với báo chí. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo ông Tuấn, ngay khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo BV đã đề nghị ĐD Thanh làm tường trình. Ban chủ nhiệm khoa Nội 1 và phòng ĐD cũng tổ chức họp đánh giá tình hình. “Ban chủ nhiệm khoa đã nhắc nhở ĐD Thanh cần làm đúng quy trình cấp cứu để tránh xảy ra những điều không mong muốn cho bệnh nhân lẫn bản thân” - ông Tuấn cho biết thêm.

PV Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: “Nếu ĐD Thanh mang bao tay, khẩu trang xong rồi mới đưa bệnh nhân lên giường cấp cứu mà làm mất “thời gian vàng”, ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân thì xử lý thế nào?". Ông Tuấn nói: “Sau khi xem xét, BV nhận định đúng là bệnh nhân Liên đang lên cơn co giật, cần truyền dịch cấp cứu. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp tối cấp cứu (cấp cứu khẩn - PV) nên ĐD Thanh vẫn đủ thời gian mang khẩu trang và găng tay để tránh tình trạng lây nhiễm vi khuẩn qua bệnh nhân và ngược lại".

Cũng theo ông Tuấn, xét thấy ĐD Thanh mặc dù không thực hiện đúng quy trình cấp cứu nhưng đã nhanh chóng truyền dịch để tránh điều xấu nhất xảy ra với bệnh nhân nên ban chủ nhiệm khoa chỉ nhắc nhở. ĐD Thanh cũng chỉ tạm thời ngưng công tác chuyên môn trong buổi sáng để viết tường trình, sau đó vẫn tiếp tục công việc. “ĐD Thanh cũng nên rút kinh nghiệm khi nhận định trường hợp cấp cứu. Nếu bệnh nhân không rơi vào tình huống tối cấp cứu thì nên mang khẩu trang và găng tay để bảo vệ cho cả hai phía” - ông Tuấn nói.

Về phía ĐD Thanh, cô cho biết: "Sau khi nhận thông tin phản ánh tình trạng bệnh nhân từ phía gia đình, tôi đã yêu cầu gia đình phụ đưa bệnh nhân lên giường nhưng người nhà nói bệnh nhân đang mệt, cứ để nằm trên sàn nhà. Lúc đó, tôi sợ mang khẩu trang và găng tay sẽ khiến người nhà bệnh nhân sốt ruột, dễ phát sinh chuyện không hay nên bỏ qua dù biết làm như thế là sai quy trình”.

Cũng theo ĐD Thanh, kinh nghiện 34 năm làm ĐD cho thấy tâm lý người nhà luôn muốn nhân viên y tế phải cứu bệnh nhân càng sớm càng tốt. Họ rất nóng ruột và khó chịu khi thấy ĐD cần thêm thời gian mang găng tay, khẩu trang. "Có lẽ rơi vào hoàn cảnh tôi ai cũng làm như thế. Thấu hiểu việc làm của tôi nên Ban chủ nhiệm khoa Nội 1 chỉ nhắc nhở. Tuy nhiên, tôi thấy mình cũng có sai sót và sẽ rút kinh nghiệm” - ĐD Thanh chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm