Tình cầu thủ!

Đó là cuộc hội ngộ ấm áp và cảm động giữa trung vệ Phạm Văn Tuấn của đội tuyển Gia Lai - Kon Tum và tiền vệ Phan Kim Lân của đội tuyển Nghĩa Bình.

Nếu trung vệ Phạm Văn Tuấn ngày nào giờ là Tổng cục phó Tổng cục TDTT thì tiền vệ tài hoa Phan Kim Lân đã có thời gian dài nằm liệt giường vật lộn với thần chết. Ông Lân sau nhiều năm điều trị vào sinh ra tử giờ tay co quắp vì những di chứng của bệnh thống phong phải ngồi trên xe lăn. Gặp chiến hữu Phạm Văn Tuấn, ông Lân cố lăn chiếc xe thật nhanh để tay bắt mặt mừng. Mắt ông Lân sáng rỡ khi nghe nhắc đến những kỷ niệm của giải Trường Sơn mà ông nổi tiếng với cái tên Lân “vẽ”. Ông nhắc đến từng người đồng đội, người bạn và dừng lại thật lâu nơi những cái tên đã khuất như Tống Anh Hoàng, Minh “chức”, Tam Lang…

Hai cầu thủ đá giải Trường Sơn đầu tiên năm 1976 Phạm Văn Tuấn (đứng) và Phan Kim Lân. Ảnh: NGUYỄN HUY

Dù vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng nhắc đến những kỷ niệm về bóng đá, ký ức đẹp trong ông lại trỗi dậy. Ông còn nhớ như in và kể lại một buổi sáng đẹp trời năm 1998, khi ông đang trị bệnh ở căn nhà ọp ẹp gầm khán đài sân Quy Nhơn thì bạn hiền Tam Lang gõ cửa. Ông Lang thăm bạn và mủi lòng trước cảnh Lân “vẽ” từng là thần tượng của khán giả miền Trung với lối đá hào hoa ngày nào nay co quắp chân tay và cực nhọc với nút chuyển kênh của chiếc tivi trắng đen cũ kỹ. Thế là sau buổi chia tay đấy, Tam Lang đã lén nhờ học trò là thủ môn Nguyễn Văn Phụng đi mua chiếc tivi màu có remote rồi mang lại nhà Phan Kim Lân để bạn hiền đau yếu đỡ vất vả mỗi khi muốn chuyển kênh. Nhắc lại kỷ niệm đấy, Phan Kim Lân không cầm được nước mắt vì đâu ngờ rằng Tam Lang khỏe mạnh thế mà lại đi trước mình.

Kể với ông bạn Phạm Văn Tuấn, Lân “vẽ” nghẹn ngào: “Cuộc đời đúng là có những bất ngờ như bóng đá vậy. Có ai ngờ Tam Lang khỏe mạnh như thế mà sau này lại bị đúng căn bệnh giống tôi rồi đau đớn gọi điện thoại nhờ tôi mua vài chục thang thuốc để chữa trị. Ngày Tam Lang nằm xuống, tôi còn nằm một chỗ không đến thắp nhang được nhưng cứ nhìn chiếc tivi màu là lại khóc thương bạn hiền…”.

Chiều qua, ông Tổng Cục phó Phạm Văn Tuấn cũng mặc lại chiếc áo đội tuyển Trường Sơn để nhớ về những kỷ niệm xưa, còn ông Phan Kim Lân thì được vợ đẩy xe lăn đến sân xem các đồng đội cũ và hạnh phúc khi được tặng chiếc áo số 14 (số áo của ông ngày nào) của đội tuyển Trường Sơn làm kỷ niệm.

Và hôm qua, rất nhiều thế hệ con cháu sau khi dự Festival Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long đã hiểu được hồi xưa cha anh mình đã đá bóng cơ cực nhưng cũng đáng để tự hào…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm