Tổ hợp KHTN: Giáo viên nhận định điểm 9,10 sẽ không nhiều

Sáng 10-8, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tham dự bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên.

Đánh giá đề thi môn Sinh học, cô Lê Thị Trang, giáo viên trường THCS– THPT Đào Duy Anh, TP.HCM cho hay, cấu trúc đề thi hoàn toàn bám sát đề minh họa và đảm bảo 30-35 câu ở mức nhận biết và thông hiểu phù hợp với đối tượng học sinh xét tốt nghệp THPT năm 2020.

Từ câu 35 nội dung kiến thức nằm ở mức độ vận dụng thấp- vận dụng cao, chính vì vậy điểm số của các thí sinh sẽ có sự phân hóa.

Nội dung kiến thức chủ yếu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 và không rơi vào nội dung giảm tải mà Bộ đã đề ra trước đó.

Phần kiến thức trải dài trong tất cả các chuyên đề của chương trình học như Di truyền và biến dị, Quần thể, Sinh thái học và môi trường.

Đối với câu hỏi vận dụng là những câu hỏi hay và đảm bảo phân hóa học sinh một cách rõ ràng.

Phần kiến thức sinh học lớp 11 với 4 câu rơi vào chương chuyển hóa vật chất và năng lượng ở động vật và thực vật. Đây là những câu hỏi vừa vận dụng kiến thức sách giáo khoa vừa vận dụng kiến thức thực tiễn đời sống nên không quá khó đối với học sinh.

Cũng rất kịp thời đề thi có cập nhật 1 câu với nội dung kiến thức hiểu biết của học sinh về các biện pháp phòng tránh đại dịch COVID 19.  Với cấu trúc đề thi này, cô Trang dự đoán phổ điểm môn Sinh trong kì thi tốt nghiệp THPT tập trung ở mức điểm 6-7 và số lượng điểm 9, 10 có thể có nhiều hơn mọi năm.

Đối với môn Hóa, thầy Nguyễn Tấn Thiện, Tổ trưởng chuyên môn môn Hóa, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM cho biết đề thi bám sát cấu trúc của đề thi minh họa. Nội dung đề không có phần giảm tải. Nội dung lớp 12 trong đề thi chiếm 90%, lớp 11 chỉ chiếm 10%. Trong 40 câu, 20 câu đầu tiên thuộc dạng nhận biết. Khoảng 10 câu kế tiếp là thuộc dạng thông hiểu. Câu vận dụng, vận dụng câu là 10 câu cuối. Nội dung những câu khó tập trung ở chương trình học kỳ 1. So với đề tham khảo, đề thi khó hơn một chút ở phần lý thuyết.  

Với đề thi này, mức độ biết và hiểu khoảng 75%, các em có thể đạt từ 7 đến  8 nhiều. Còn để lấy được điểm tuyệt đối đòi hỏi thí sinh phải thực sự giỏi. Do đó, đa số các trường đại học có thể dựa vào điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Tương tự, thầy Đoàn Ngọc Đính, giáo viên trường THPT Hồng Đức, TP.HCM cho biết đề thi tương đương với đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Đề gồm 4 câu 11, trong đó có 3 câu dễ và 1 câu nằm ở mức độ vận dụng, còn lại là chương trình 12. Đề chỉ phân loại thí sinh ở 10 câu cuối.

Nhìn chung đề nhẹ nhàng, học sinh lấy điểm 6, điểm 7 dễ.  Để đạt được điểm 9, 10 rất khó, năm nay sẽ không nhiều. Đề có thể xét tốt nghiệp lẫn xét đại học. So với đề minh họa thì những câu phân hóa khó hơn. Vì thế phần xét tuyển vào đại học tốt hơn đề minh họa.

Còn với môn Vật lý, thầy Lê Tấn Hậu, Tổ trưởng chuyên môn môn Vật lý, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM cho biết đề thi gồm có 3 phần. Phần đầu gồm 20 câu gồm kiến thức cơ bản, học sinh chỉ cần học thuộc công thức thì có thể làm được và dễ lấy 5 điểm.

Phần thứ hai từ câu 21 đến câu 30 thì thí sinh vận dụng một phép tính làm được. Do đó, so với đề thi minh họa, đề thi chính thức ở mức độ tương đồng. Vì thế, mức điểm 7,5 thí sinh dễ dàng đạt được. Phần thứ ba từ câu 31 đến 40 có 3 câu vận dụng cao. Đặc biệt có một câu rất lạ. Học sinh thật sự xuất sắc mới giải được. Vì thế, điểm 10 rất hiếm.

Thầy Đồng Văn Ninh, giáo viên môn Vật Lý, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho rằng đề có mức độ khó tương tự đề minh họa và nhẹ hơn so với năm 2019.

Đề thi phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp của các em. Đề có 4 câu thuộc chương trình lớp 11, còn lại đều nằm ở lớp 12. Trong đề, 32 câu đầu dành cho tất cả học sinh, chỉ cần các em nắm kiến thức sẽ làm được. Nhiều câu đơn giản chỉ là lý thuyết hoặc nhận biết công thức nên rất dễ.

Còn 8 câu cuối có sự phân hóa nâng cao, đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức lẫn vận dụng mới làm được. Thậm chí có câu phải là thí sinh học chuyên mới làm tốt. Do đó, theo thầy Ninh, với đề này, học sinh dễ dàng đạt từ 5 đến 8 điểm, từ 8 điểm sẽ rất khó. Và để đạt 10 điểm năm nay cũng sẽ rất ít.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm