Tòa án yêu cầu cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu khi tác nghiệp: Sai luật!

(PLO)- Luật Báo chí và các văn bản liên quan chỉ quy định nhà báo khi tác nghiệp cần xuất trình thẻ nhà báo.

Ngày 16-1, tại phiên toà hình sự sơ thẩm công khai xét xử bị cáo Giang Quang Vinh về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản ở TAND huyện Phước Long (Bạc Liêu), phóng viên xuất trình thẻ nhà báo để tác nghiệp thì chủ toạ phiên toà không cho tác nghiệp với lý do người này có thẻ nhà báo mà không có giấy giới thiệu đi kèm.

Tòa án huyện Phước Long yêu cầu phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu mới được tác nghiệp tại phiên tòa công khai. Ảnh: TRẦN VŨ

Đến sáng 17-1, phóng viên này đến TAND huyện Phước Long gặp lại thẩm phán chủ tọa đã không cho tác nghiệp, thẩm phán này nói: "Phiên tòa công khai không cấm phóng viên. Ngày xử trước, phóng viên đến trình thẻ và giấy giới thiệu, tôi đã cho tác nghiệp bình thường. Còn anh chỉ có thẻ nhà báo mà không giấy giới thiệu, tôi đâu biết cơ quan chủ quản là cơ quan nào. Giả sử ai đó nhặt được thẻ đến tác nghiệp thì sao?".

Sau đó, mặc dù phóng viên đã chỉ ra trên thẻ nhà báo đã ghi rõ cơ quan chủ quản nhưng thẩm phán vẫn khẳng định: “Phải có giấy giới thiệu có mộc thì tôi giải quyết”.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trước đây theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao (quy định về nội quy phiên toà) có quy định nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa .

Tuy nhiên, thông tư này đã được thay thế bởi Thông tư 02/2017 và quy định về nhà báo phải xuất trình cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu khi tác nghiệp tại phiên toà công khai đã được bãi bỏ.

Đến thời điểm hiện nay, tháng 8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua Pháp lệnh 02/2022 về Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Theo đó, tại điểm i khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh này nêu rõ phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí.

Ngoài ra, Điều 25 Luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ khi tác nghiệp, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Đối với hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo thì sẽ được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp…

Như vậy, có thể thấy theo các quy định hiện hành của Luật Báo chí, Pháp lệnh xử phạt hành chính và Thông tư quy định quy chế, tổ chức phiên toà của ngành toà án không có bất cứ quy định nào yêu cầu khi tác nghiệp tại các phiên toà xét xử công khai, nhà báo phải có cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu.

Pháp luật hiện hành quy định nhà báo chỉ cần có thẻ nhà báo là đủ điều kiện tác nghiệp theo sự bố trí, sắp xếp của hội đồng xét xử.

Việc không cho nhà báo tác nghiệp tại các phiên toà khi không có giấy giới thiệu ngoài thẻ nhà báo là khai sinh thêm một loại “giấy phép con”, vô hình chung đã hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo.

Xét về góc độ hiệu lực của hệ thống các loại văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Báo chí là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, điều chỉnh về vấn đề hoạt động báo chí và có giá trị pháp lý cao hơn cả Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn của hệ thống ngành Toà án.

Mặt khác, trên thẻ nhà báo hiện nay đã ghi đầy đủ thông tin như họ tên, bút danh, cơ quan chủ quản và thời hạn sử dụng thẻ. Do đó, lập luận của thẩm phán chủ tọa phiên toà cho rằng không có giấy giới thiệu, không biết cơ quan chủ quản là ai là chưa thuyết phục.

Trường hợp phát hiện thẻ nhà báo giả, thông tin sai sự thật hoặc khi tác nghiệp nhà báo không nghe theo sự điều khiển của chủ toạ phiên toà thì HĐXX có thể xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới