Dương Chí Dũng xin được sống

Không khí tranh luận trong ngày thứ ba xét xử vụ tiêu cực xảy ra tại Vinalines càng lúc càng nóng khi chủ tọa phải liên tiếp ngắt lời các luật sư. Đáp lại, luật sư nổi cáu: “HĐXX ngồi để nghe tranh luận giữa luật sư và viện kiểm sát (VKS), không phải ngồi đó để ngăn chặn”. Chủ tọa cũng gay gắt lại: “Nếu luật sư không có ý kiến gì khác thì luật sư ngồi xuống…”.

Không có mớm cung, ép cung

Diễn biến trong suốt phiên xử phúc thẩm, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc một mực phủ nhận cáo buộc tham ô mỗi người 10 tỉ đồng. Trong khi đó các luật sư liên tiếp chỉ ra mâu thuẫn trong những lời khai về việc đưa tiền của bị cáo Sơn - căn cứ quan trọng để buộc tội Dũng và Phúc.

Tranh luận với luật sư, đại diện VKS thừa nhận hành vi phạm tội xảy ra từ 2008 nhưng đến 2012 mới được phát hiện và điều tra. “Bị cáo Dũng và Phúc từ đầu đến cuối và tại phiên phúc thẩm này cũng đều không nhận tội. Chúng tôi ghi nhận quá trình điều tra rất trung thực, khách quan, rõ ràng không có sự mớm cung, ép cung. Chúng tôi đánh giá nếu cơ quan điều tra không nghiêm chỉnh chấp hành tố tụng thì chắc là Dũng, Phúc không thể nào không nhận được” - đại diện VKS nói.

Đại diện VKS nói thêm, để chứng minh được họ có bàn bạc, phân công thế nào trong điều kiện Dũng, Phúc không nhận, buộc cơ quan pháp luật phải trên cơ sở tập hợp tài liệu để đánh giá. “Trên cơ sở đánh giá lời khai của Sơn về số tiền từng cá nhân nhận, từ việc đánh giá vị trí hành chính của Dũng, Phúc, Sơn, Chiều… chúng tôi cho rằng có căn cứ”.

 
Bị cáo Dương Chí Dũng nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án. Ảnh: TTXVN

Luật sư của bị cáo Mai Văn Phúc phản bác: VKS cho rằng kết luận của VKS đã đầy đủ căn cứ về tội tham ô, khoản tiền 1,666 triệu USD và đây là bằng chứng xác thực, chắc chắn để quy kết có hành vi tham ô. “Nhưng vấn đề là khoản tiền này do ai đàm phán, đàm phán vào thời gian nào? Nếu không làm rõ việc này thì sẽ có người phải chịu tội thay cho hành vi của người khác. Tại sao các tài liệu luật sư đưa ra không được VKS nhắc đến, phải chăng VKS không đọc? Chúng tôi đưa ra những mâu thuẫn giữa những lời khai của bị cáo Sơn và nhân chứng Huyền về thời gian, địa điểm đưa tiền cho Phúc, tại sao VKS không đặt ra để tranh luận, lý giải? Phải chăng những vấn đề chúng tôi đưa ra không có gì để phản bác? Nếu đã vậy thì mặc nhiên phải chấp nhận quan điểm chúng tôi đã phân tích” - luật sư nói.

VKS thừa nhận lời khai có mâu thuẫn

Đáp lại, đại diện VKS nói có mâu thuẫn trong lời khai về thời điểm, địa điểm đưa tiền cũng là điều dễ hiểu, vì thời gian diễn ra đã lâu. “Đã là hành vi đen thì tránh đưa có nhiều người, cũng không để ý đến đặc thù xung quanh, mắt la mày lét rồi chuồn, đó là tôi cứ nói sự thật như thế. Đúng là có mâu thuẫn trong lời khai. Có lời khai nói có ba vali tiền, chưa chắc bị cáo đã khai nhưng cũng có thể điều tra viên nghe nhầm, ghi không chuẩn” - đại diện VKS nói.

Đại diện VKS cũng cho rằng đúng năm ngày sau khi Công ty AP nhận đủ số tiền mua bán ụ nổi, công ty này đã chuyển 1,666 triệu USD về cho Công ty Phú Hà. “Chúng tôi cho rằng đây chính là một phần của khoản tiền mua bán ụ nổi” - đại diện VKS nói.

Luật sư cho rằng tám tháng sau khi tiền chuyển về Sơn mới đưa cho các bị cáo khác là điều không hợp lý. Theo VKS, thực tế khi tiền về, ngay tháng 7 Sơn đã đưa 5 tỉ đồng cho Dũng và Phúc. Số tiền đưa sau có các lý do để phân tích và có thể chấp nhận. Ví dụ, Dũng muốn lấy tiền để mua nhà cho con gái nhưng sau lại thay đổi mục đích… cũng là nguyên nhân làm chậm nguồn tiền. Kể cả không có lý do này thì việc chậm nguồn tiền cũng có thể xảy ra.

Cũng theo đại diện VKS, việc chỉ đạo là có nhưng các bị cáo không thừa nhận. Đại diện VKS phân tích: “Đặt giả thuyết không biết, không bàn, không chia thì chí ít Dũng và Phúc cũng phải được bồi dưỡng chứ? Chúng tôi cứ đặt ra để đánh giá tổng hợp. Với quan hệ cấp trên cấp dưới, nếu Sơn, Chiều là người được hưởng tiền lại quả mà lại không có Dũng, Phúc thì thực tế có xảy ra việc này không?”.

Từ đó đại diện VKS khẳng định: “Có đủ căn cứ và niềm tin về lời khai của bị cáo Sơn về khoản tiền đã chia và vì vậy chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố”.

“Phải căn cứ vào pháp luật chứ không phải căn cứ vào niềm tin nội tâm để kết tội các bị cáo” - ngay lập tức một luật sư phản bác.

“Thời gian diễn ra đã lâu, các nhân chứng cũng chỉ tham gia chuẩn bị tiền. Việc mâu thuẫn là có chứ chúng tôi không nói là không. Chúng tôi dành quyền đánh giá cho HĐXX”- đại diện VKS trả lời.

Kêu oan và xin được sống

Nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng nói mình không dối trá, quanh co. “Trước pháp luật, bị cáo không thể nhận điều không đúng được. Mong HĐXX cân nhắc rất kỹ lưỡng, khách quan, nếu chưa xác đáng chứng cứ thì cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt, để bị cáo có thể chờ đến một thời điểm nào đó, để không làm oan cho bị cáo.

Không phải bị cáo sợ đâu, nếu có tội bị cáo sẵn sàng chịu, chỉ mong HĐXX hết sức thận trọng. Bị cáo thành khẩn, rất ăn năn. Trước mắt, bị cáo xin vận động gia đình, dù bao nhiêu đi chăng nữa cũng cố gắng khắc phục. Cho bị cáo được sống chờ đến ngày minh oan cho bị cáo. Bản thân rất yêu nghề hàng hải, muốn làm điều gì đó cho ngành nhưng không thành công lại thành tội, đó là điều đau đớn cho bị cáo… Bị cáo trung thành với xã hội, yêu cuộc sống, yêu gia đình rất nhiều. Một lần nữa xin tha tội cho bị cáo đã để xảy ra sai phạm này”.

Trong khi đó, cựu tổng giám đốc Mai Văn Phúc tiếp tục kêu oan và cho rằng mình là “nạn nhân của vụ án này.”

Còn bị cáo Sơn thì khẳng định: “Hai lời khai của anh Dũng và anh Phúc trước cơ quan điều tra và trước tòa xác nhận việc chia khoản tiền 1,666 triệu USD rồi lại đổ lỗi cho nhau, đổ lỗi cho người khác. Bị cáo khai đúng những gì bị cáo biết và xác nhận những nội dung lời khai”. Tuy nhiên, Sơn cũng mong hai sếp của mình không phải nhận án tử.

Được chủ tọa cho phép phát biểu, vợ hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều khẳng định sẽ làm mọi cách, “có gì cũng trao hết” để khắc phục hậu quả, giúp chồng không bị tử hình.

ĐỨC MINH

 

Đối đáp giữa luật sư và VKS

- Luật sư: VKS nói rằng khi có kết luận tương trợ tư pháp từ phía Nga thì chúng ta xử lý sau. Án phúc thẩm có hiệu lực, thi hành hai án tử hình. Đến khi có kết quả tương trợ tư pháp về chứng minh số tiền do ông A, ông B thỏa thuận, như vậy có oan không?

- VKS: Các luật sư có gì đó hơi căng, theo chúng tôi không cần thiết phải thế. Các bên, ngay cả tôi, chỉ có quyền đưa ra chứng cứ, quan điểm, chúng tôi không nói chúng tôi đúng… Những con người bị xử án cao nhất chúng tôi phải rất thận trọng. Bên cạnh sự thận trọng, trách nhiệm ra, ngoài oan, chúng tôi còn phải chịu trách nhiệm về việc bỏ lọt tội phạm. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Nhà nước và nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm