Nhóm giả danh nhà báo tống tiền CSGT lãnh án nặng

Ngày 18-7, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm quay phim tống tiền CSGT tỉnh này. Tòa tuyên phạt Ngô Quốc Bảo (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) sáu năm tù, Đinh Ngọc Trung (trú quận 12, TP.HCM) năm năm sáu tháng tù, Trương Quốc Vũ (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) hai năm tù, Huỳnh Ngọc Thọ (Thanh Khê, Đà Nẵng) hai năm sáu tháng tù, về tội cưỡng đoạt tài sản.

Tòa buộc các bị cáo hoàn trả 120 triệu đồng cho các bị hại (là những CSGT trong ca trực bị nhóm này quay phim, tống tiền), gồm trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, trung tá Trần Hải Vân, thiếu tá Trần Văn Vấn, thượng úy Trần Châu Nguyên và thiếu úy Bùi Mạnh Hùng.

“tác nghiệp” như nhà báo

Theo hồ sơ, sau khi khảo sát địa điểm tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế hay chốt chặn, 3 giờ sáng 19-4-2010, nhóm các bị cáo nói trên chạy xe máy ra Huế. Đến ngã ba Khu kinh tế Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc), Trung mang máy quay phim đi vào khu nhà hoang ven đường rồi ra hiệu cho ba người khác quay lại Đà Nẵng.

Khoảng 6 giờ cùng ngày, tổ tuần tra kiểm soát giao thông số 2 - Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm trung tá Vinh (tổ trưởng), trung tá Vân, thiếu tá Vấn, thiếu úy Hùng và thượng úy Nguyên đến khu vực này làm nhiệm vụ. Lúc này Trung bí mật quay phim cảnh tác nghiệp của nhóm CSGT. Xong, Trung gọi điện thoại cho Bảo đến chở vào Đà Nẵng và đưa máy quay phim cho Bảo đi sao chép dữ liệu qua USB.

Nhóm giả danh nhà báo tống tiền CSGT lãnh án nặng ảnh 1

Các bị cáo (từ trái sang) Trung, Bảo, Vũ, Thọ tại tòa. Ảnh: V.LONG

Sáng 20-4-2010, Trung chở Bảo đến bưu điện mua bì thư để bỏ USB vào, bên ngoài ghi “Gửi các anh CSGT” kèm email và số điện thoại. Đến 10 giờ cùng ngày, Trung và Bảo thuê một xe ôm chuyển phong bì trên cho trung tá Phan Văn Phong, tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát đang làm nhiệm vụ ở chốt nói trên. Trung tá Phong mở xem thấy hình ảnh tổ trung tá Vinh nên chuyển cho Vinh.

Dọa đăng báo và tống tiền

Sau khi xem xong, trung tá Vinh thấy tổ mình có sai phạm trong quy trình nhiệm vụ. Cụ thể: Tổ tuần tra yêu cầu dừng nhiều xe ô tô cùng một lúc, khi gặp tài xế không đưa tay chào, không trực tiếp đến phương tiện kiểm tra thực tế, tài xế đến ôm người và bắt tay CSGT, CSGT ôm tài xế và hút thuốc lá…

Đến 18 giờ cùng ngày, trung tá Vinh thông báo cho bốn người cùng tổ tuần tra biết chuyện rồi gọi điện thoại theo số ghi trên bì thư. Đầu dây xưng: “Tôi là Quốc Phong, công tác ở báo TN. Các anh xem hình có đẹp không? Giờ ý các anh thế nào, muốn tôi đưa lên mạng, lên báo, hay đưa cho trưởng phòng?”. Trung tá Vinh bảo: “Thôi anh cứ từ từ…” rồi tắt máy. Trung tá Vinh kể cho bốn người trong tổ nghe và gọi điện thoại lại để thỏa thuận. Trung ra giá: “Nếu các anh muốn bọn tôi bỏ qua thì các anh đưa 200 triệu đồng”. Sau khi thương lượng, hai bên thống nhất giá để “bỏ qua” là 120 triệu đồng. Số tiền này cả năm CSGT chia đều, mỗi người nộp 24 triệu đồng và chuyển cho nhóm Bảo qua tài khoản. Nhận được tiền, Trung lừa Bảo rằng CSGT chỉ chuyển 80 triệu đồng nên chỉ đưa cho Bảo 50 triệu đồng, sau đó Bảo chia lại cho Vũ 20 triệu đồng, Thọ 2 triệu đồng.

Thấy dễ ăn nên làm tới

Chưa dừng lại, mấy ngày sau, nhóm này tiếp tục gọi điện thoại cho trung tá Vinh dọa tung băng ghi hình nếu không chung tiếp 120 triệu đồng. Trung tá Vinh không chấp nhận. Ngày 4-5-2010, nhóm tống tiền gọi điện thoại cho trưởng phòng PC67 cho biết có hình ảnh của cán bộ phòng này sai phạm. Sau đó, Bảo và Thọ chạy xe từ Đà Nẵng ra Huế thuê xe ôm đưa USB cho trưởng phòng PC67.

Sau khi nghe cán bộ báo cáo sự việc tống tiền, trưởng phòng PC67 báo cáo vụ việc lên giám đốc công an tỉnh. Ngày 5-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Trung, Vũ, Thọ. Riêng Bảo bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ tại TP.HCM.

Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra, Trung còn khai trước đó cũng bằng thủ đoạn trên Trung và Bảo đã đe dọa và chiếm đoạt của CSGT Đà Nẵng 80 triệu đồng và chia nhau mỗi người 40 triệu đồng. Tuy nhiên, tại tòa Bảo phủ nhận lời khai này và tòa cũng không làm rõ có việc tống tiền này hay không, ai là nạn nhân của lần tống tiền này.

Trả lời tòa, Bảo nói sở dĩ nghĩ ra cách tống tiền này vì thấy công an dễ ghi hình và thường có nhiều sai phạm. việc giả danh nhà báo cũng do Bảo nghĩ ra vì làm như vậy CSGT sẽ sợ và dễ đưa tiền hơn.

CSGT chỉ vi phạm quy trình

Trước tòa, trung tá Vinh khai sau khi nhận được băng ghi hình có hình ảnh tổ mình, Vinh đã “bàn bạc với anh em trong tổ, xác định đây không phải là nhà báo mà chỉ là những kẻ làm tiền. Tuy nhiên, do sợ băng ghi hình bị tung lên mạng sẽ khiến dư luận xôn xao, hơn nữa cấp trên biết thì sẽ bị kỷ luật nên cả tổ bàn nhau góp mỗi người 24 triệu đồng để mua sự im lặng…”.

Tương tự, các CSGT cùng tổ Vinh cũng nói họ chỉ sai quy trình chứ không có chuyện nhận tiền mãi lộ của tài xế.

Đại diện VKS cũng cho rằng qua xem băng ghi hình không đủ cơ sở để xác định tổ tuần tra kiểm soát nói trên có hành vi nhận mãi lộ nên không thể truy tố. HĐXX đồng tình với nhận định này và đã tuyên án như trên.

Chung tiền cho xong chuyện nhưng…

Khi nhận được hình ảnh trong tổ tuần tra ai cũng lo lắng, sợ bị tung lên mạng, bị cấp trên kỷ luật và ảnh hưởng đến gia đình nên cùng nhau góp tiền cho xong chuyện. Nếu không đưa tiền cho bọn chúng thì thiệt hại về tinh thần sẽ lớn hơn. Sau khi chuyển tiền, ai cũng nghĩ mọi thứ đã xong xuôi. Không ngờ nhóm này quá tham nên tiếp tục đòi tiền. Sau đó, anh em thống nhất không theo ý bọn chúng.

Sau khi nhóm Bảo bị bắt, cả tổ đều bị kỷ luật và luân chuyển công tác.

Một CSGT là nạn nhân trong vụ án

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm