Toàn cầu 2 triệu người chết, WHO cảnh báo dập dịch còn xa vời

Vào ngày 16-1, số người chết do COVID-19 trên toàn cầu đã lên đến 2 triệu người, trong bối cảnh vaccine đang được triển khai ồ ạt trên thế giới. Mặc dù vậy hy vọng dập tắt được trận đại dịch vẫn là một giấc mơ xa vời do lượng vaccine được triển khai ở các nước phát triển và những nơi kém phát triển không được đồng đều, hãng AP đưa tin.

Con số tử vong thực sự còn cao hơn nhiều

Vậy là chỉ sau hơn một năm, khi lần đầu tiên virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở TP Vũ Hán, Trung Quốc thì trận đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn hai triệu người. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số người chết vì đại dịch hiện nay tương đương với dân số của Brussels, Mecca, Minsk hoặc Vienna. Nó gần tương đương với vùng đô thị Cleveland hoặc toàn bộ bang Nebraska, Mỹ.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng số người chết thực tế còn cao hơn con số kể trên do số liệu thực tế mà các quốc gia cung cấp chưa thực sự được kiểm đếm đầy đủ.

Nhân viên mai táng mặc đồ bảo hộ để tránh lây nhiễm khi chôn cất bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AP

“Con số tử vong thật khủng khiếp. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học của chúng ta cũng đã làm được những công việc phi thường” - Tiến sĩ Ashish Jha, một chuyên gia về đại dịch và là hiệu trưởng của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, đảo Rhode của Mỹ cho biết.

Ở các quốc gia giàu có như Mỹ, Anh, Israel, Canada và Đức, hàng triệu công dân đã được cung cấp một số biện pháp bảo vệ như được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Những loại vaccine này đều được phát triển với tiến độ lịch sử và nhanh chóng được đưa vào cấp phép sử dụng.

Nhưng ở những nơi khác, các đợt tiêm chủng hầu như không có cơ sở. Nhiều chuyên gia đang dự đoán ở những nơi như Iran, Ấn Độ, Mexico và Brazil sẽ còn phải đối mặt với một năm mất mát và khó khăn nữa.

Ở khắp các quốc gia đang phát triển, những hình ảnh giống nhau một cách đáng kinh ngạc: hàng loạt ngôi mộ bị đào bới, bệnh viện bị đẩy đến mức giới hạn và nhân viên y tế thiếu đồ bảo hộ, kiệt sức vì chăm sóc số bệnh nhân quá tải và thậm chí là tử vong vì không tự bảo vệ được mình trước dịch bệnh.

Tại Peru, quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Mỹ Latinh, hàng trăm nhân viên y tế đã đình công trong tuần này để yêu cầu trả lương và có được điều kiện làm việc tốt hơn trong bối cảnh quốc gia này đã có 230 bác sĩ đã tử vong vì căn bệnh này.

Tại Brazil, chính quyền tại thành phố lớn nhất của rừng nhiệt đới Amazon đang khó khăn vì nguồn cung cấp bình dưỡng khí ngày càng cạn kiệt dẫn đến một số người đã tử vong tại nhà.

Khó đạt được miễn dịch cộng đồng

Tính đến nay, khoảng 35 triệu liều vaccine COVID-19 thuộc nhiều công ty khác nhau đã được đưa vào sử dụng trên khắp thế giới, theo Đại học Oxford. Tuy nhiên, Mexico, đất nước với 130 triệu dân, mới chỉ nhận được khoảng 500.000 liều vaccine và chỉ đưa được một nửa số đó đến tay các nhân viên y tế.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với tình hình của nước láng giềng phương Bắc giàu có hơn. Mỹ hiện nay đang gấp rút cung cấp hàng trăm ngàn liều vaccine mỗi ngày cho người dân sau khi quốc gia này đã bị dịch bệnh cướp đi hơn 390.000 sinh mạng.

Biểu đồ cho thấy số người tử vong do COVID-19 tính theo mốc thời gian. Ảnh: AP

Trong khi các hoạt động tiêm chủng ở các nước giàu bị cản trở bởi ngân sách không đủ và các phương pháp tiếp cận của nhà nước với địa phương còn nhiều chắp vá, thì những trở ngại còn lớn hơn nhiều ở các nước nghèo hơn, nơi có hệ thống y tế yếu kém, mạng lưới giao thông đổ nát, tham nhũng kéo dài và việc bảo quản vaccine đủ lạnh không đảm bảo.

Ngoài ra, phần lớn những liều vaccine COVID-19 trên thế giới đã được các nước giàu có mua hết nên các nước nghèo chắc còn phải chờ đợi khá lâu. COVAX, một dự án do Liên Hợp Quốc hỗ trợ để cung cấp nguồn vaccine cho các khu vực đang phát triển trên thế giới, đã nhận thấy họ vấn đang thiếu nguồn vaccine, tiền bạc và trợ giúp hậu cần.

Do đó, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Soumya Swaminathan cảnh báo rằng sẽ rất khó có khả năng đạt được khả năng miễn dịch cộng động - vốn cần ít nhất 70% dân số toàn cầu được tiêm phòng -  trong năm nay.

“Ngay cả khi nó xảy ra trong một vài nơi ở một số quốc gia, thì nó vẫn sẽ không bảo vệ được hết mọi người trên toàn thế giới” -  Tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết trong tuần này.

Các chuyên gia y tế cũng lo ngại rằng nếu các mũi tiêm không được phân phối đủ nhanh và rộng rãi, nó có thể khiến virus có thời gian để biến đổi và đánh bại những loại vaccine mới này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cho biết cột mốc 2 triệu người chết "đã trở nên tồi tệ hơn do thiếu vắng nỗ lực phối hợp toàn cầu".

"Khoa học đã thành công, nhưng sự đoàn kết lại thất bại" – ông Guterres nói thêm.

Trong khi đó vào hôm 15-1, một nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu do WHO dẫn đầu đã đến Vũ Hán- nơi dịch bệnh được phát hiện vào cuối năm 2019 để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 được cho là đã lây lan từ động vật hoang dã sang người.

Thành phố 11 triệu dân này của Trung Quốc đang nhộn nhịp trở lại, với có ít dấu hiệu cho thấy đây từng là tâm chấn của thảm họa, nơi từng có hơn 3.800 người chết vì dịch bệnh COVID-19 và từng bị phong tỏa 76 ngày để ngăn dịch bệnh.

“Chúng tôi không còn sợ hãi hay lo lắng như trước đây nữa. Chúng tôi hiện đang sống một cuộc sống bình thường. Tôi đi tàu điện ngầm mỗi ngày để đến cửa hàng làm việc… Ngoại trừ việc khách hàng của chúng tôi phải luôn đeo khẩu trang khi đến tiệm mì của chúng tôi, thì mọi thứ đã trở lại như trước” -  Ông Qin Qiong, một chủ tiệm mì ở Vũ Hán cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới