Tôi đồng tính, thì sao? - Bài 1: Xin đừng đẩy con ra khỏi nhà!

LTS: Lâu nay, nhắc đến người đồng tính, người ta thường nghĩ đến những người son phấn lòe loẹt, những người hát mua vui trong đám tang hoặc những câu chuyện giết người vì ghen tuông đăng trên báo chí. Đó chỉ là hình ảnh méo mó, phản ánh một góc rất nhỏ về giới đồng tính. Trong khi đó, người đồng tính đang có mặt ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội-Kinh tế và Môi trường (iSEE), trong số hơn 30.000 người đồng tính nam, có đến trên 67% người có trình độ CĐ, ĐH. Thế nhưng vì nhiều định kiến kỳ thị của xã hội, hầu hết họ không dám lộ mình và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Mày không phải là con tao!

Vừa về đến đầu hẻm, người mẹ đã nghe người hàng xóm xì xầm: “Thằng con bà dạo này giống con gái quá. Chắc nó pê đê rồi đó!”. Thẳng một mạch về nhà, người mẹ giật cây sào trước cổng nhà đánh tới tấp vào người con trai tên Trung. Bao nhiêu bực tức bà đổ lên đầu đứa con mà theo bà là “trai không ra trai, gái không ra gái”. Đánh xong, người mẹ còn lấy nước mắm đổ vào những vết xước do mình gây ra trên tay Trung cho thật đau, cho chừa. Cả hai mẹ con cùng nhìn nhau rồi khóc. Ai cũng có nỗi đau riêng.

Trung không phải là ngoại lệ về chuyện cha mẹ không chấp nhận con cái là người đồng tính. Bạn của Trung là Việt cũng vậy. Khi biết Việt là người đồng tính, ba mẹ đã xích chân Việt tại chân cầu thang trong suốt 19 ngày và chỉ cho uống nước. Mỗi lần thấy con nói năng nhẹ nhàng, tay chân ẻo lả, người mẹ thường nói: “Mày không phải con tao. Tao đẻ con trai chứ không phải con gái!”. Đến lúc Việt hứa với ba mẹ sẽ không ẻo lả nữa, họ mới thả anh ra. “Nhưng làm sao sống khác mình được. Em đang cố gắng tìm niềm vui trong công việc và rất ít khi về nhà vì gia đình không ai thừa nhận em. Em tồn tại trong nhà như một cái bóng vậy” - gặp tôi cách đây mấy ngày, Việt kể. Việt đang là nhân viên tiếp cận cộng đồng truyền thông HIV/AIDS của CLB M for M.

Tôi đồng tính, thì sao? - Bài 1: Xin đừng đẩy con ra khỏi nhà! ảnh 1

Những thanh niên đồng tính đã rất vất vả để vượt qua sự kỳ thị của cộng đồng, kể cả chính cha mẹ của họ. Trong ảnh: Ngày làm việc bình thường của một nhóm thanh niên đồng tính tại quận 4 (TP.HCM). Ảnh: T.MẬN

Cùng tâm trạng bị cha mẹ không thừa nhận, Minh (một cựu sinh viên ngành châu Á học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đang học cao học) chia sẻ: “Mẹ buộc tôi phải cắt đứt tất cả mối quan hệ bạn bè. Cứ nghe nơi nào chữa được “bệnh” đồng tính, mẹ lại bắt tôi phải đi. Tôi đã nhiều lần viết thư cho mẹ nói về tâm trạng, về cuộc sống của người đồng tính. Hai mẹ con cũng thường nói chuyện với nhau trên mạng (chứ rất khó nói chuyện trực tiếp về vấn đề này) nhưng mẹ vẫn không thừa nhận tôi. Có lẽ thời gian tới tôi phải ra ngoài thuê phòng trọ ở riêng để cuộc sống nhẹ nhàng hơn…”.

Trong một lần bố mẹ thúc ép lấy chồng, Loan (nhân viên một tập đoàn viễn thông) đã nói thật mình là người đồng tính và có người yêu tên Hương. Loan nhớ lại: “Ngôi nhà từ đó trở nên nặng nề, im ắng, không ai nói với ai lời nào. Một ngày, mẹ em đến nhà Hương quỳ khóc, van xin Hương và ba mẹ Hương “tha” cho em để em đi lấy chồng. Từ đó, Hương không dám đến với em nữa. Em thất tình, đau khổ một thời gian dài. Sau giai đoạn đó, em bắt đầu tìm kiếm những thông tin mà giới khoa học nói về đồng tính để trên kệ báo mong mẹ đọc và hiểu cho. Sau đó, mẹ cũng đặt trên kệ báo những thông tin xấu như người đồng tính giết người vì ghen này nọ. Ý mẹ nói rằng kết cục của người đồng tính là vậy đó. Em tuyệt vọng vì không thay đổi suy nghĩ của mẹ được”.

Tôi đồng tính, thì sao? - Bài 1: Xin đừng đẩy con ra khỏi nhà! ảnh 2

Xã hội kỳ thị

“Từ nhỏ, tôi đã thấy mình không giống những đứa con trai khác. Tôi thích nói năng nhỏ nhẹ, điệu bộ tay chân mềm dẻo chứ không thể mạnh mẽ. Suốt những năm tháng học cấp hai, tôi đã bị bạn bè “chơi hội đồng” bằng cách đẩy tôi vào nhà vệ sinh rồi tuột quần ra xem tôi có “chim” hay không. Với tôi, những ngày đó thật khủng khiếp!” - Mỹ, một nhân viên tư vấn cộng đồng, kể. Tuổi dậy thì của Mỹ trôi qua thật khó khăn khi anh yêu đơn phương một người cùng giới và gặp ánh mắt dè dặt của những người trong xóm. Họ gọi Mỹ là “bóng”. Thắc mắc không biết hỏi ai, anh dằn vặt tự trách bản thân mình sao khác người. Mãi đến khi tốt nghiệp trung học, tìm được công việc yêu thích, anh mới cố gắng tìm niềm vui trong công việc để quên đi câu hỏi mình thuộc giới tính nào.

Vương, nhân viên phục vụ một quán cơm văn phòng ở quận 10, kể: “Tôi từng bị mấy người trong xóm ném đá vì có lần họ thấy tôi vô tình ôm eo người yêu trước cửa nhà. Họ cho rằng pê đê là cái gì đó thật ghê tởm, là loại biến thái. Chị không thể thấu hiểu hết những sự chịu đựng mà một người đồng tính phải trải qua đâu”. Theo Vương, ngoại trừ bốn người bạn thân, không ai biết giới tính thật của anh vì nhìn bề ngoài anh vẫn là một người đàn ông mạnh mẽ.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại (Ủy ban Phòng, chống AIDS TP.HCM), sự kỳ thị khiến không ít người đồng tính gặp khó khăn trong cuộc sống. Do vướng phải sự kỳ thị từ cộng đồng, có những người mất niềm tin, dễ rơi vào con đường bị lạm dụng tình dục, bán dâm dẫn đến nhiễm HIV.

Đồng tính không phải là bệnh

Đồng tính là một xu hướng tình dục. Ngoài sự khác biệt về đặc điểm giới tính hay giới của bạn tình, người đồng tính giống với mọi người ở tất cả các mặt khác.

Có ba xu hướng tình dục phổ biến: dị tính, đồng tính và lưỡng tính. Người dị tính tìm thấy cảm xúc yêu thương, ham muốn tình dục với người khác giới. Người đồng tính tìm thấy cảm xúc yêu thương, ham muốn tình dục với người cùng giới. Người lưỡng tính thì tìm thấy cảm xúc yêu thương, ham muốn tình dục với cả nam và nữ. Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao có những xu hướng tình dục nói trên.

Đồng tính là một xu hướng tình dục bình thường giống như các xu hướng tình dục khác. Xu hướng tình dục là tự nhiên, không phải là bệnh, không phải do đua đòi nên không ai có thể can thiệp để thay đổi. Vậy nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người kỳ thị người đồng tính khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

BS-ThSHOÀNG TÚ ANH, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến
Sức khỏe và Dân số

Hơn 67% số người đồng tính giữ kín câu chuyện của họ, chỉ 2,4% dám công khai danh tính. Có đến 77% các bậc phụ huynh cho rằng họ thất vọng nếu con mình là người đồng tính

(Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường trên hơn 30.000 người đồng tính)

THANH MẬN

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm