'Tôi tin UBND TP.HCM sẽ không bỏ người dân'

Sáng 31-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở, ngành đã tiếp và giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Xuân Lê (ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) về việc bồi thường sau khi thanh lý hợp đồng thuê đất tại Nông trường Tam Tân (huyện Củ Chi).
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Lê và nhiều hộ dân khác liên tục đến Ban Tiếp công dân TP và gửi đơn khiếu nại về thời hạn hợp đồng, đơn giá đất cho thuê và việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại Nông trường Tam Tân để xây dựng khu đô thị Tây Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Lê trình bày vụ việc. Ảnh: TÁ LÂM

Vào năm 1993, ông Lê là một trong số 239 hộ dân đã nhận khoán, thuê 938 ha đất của Nông trường Tam Tân để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Đến năm 2004, UBND TP có quyết định thu hồi 938 ha đất Nông trường Tam Tân và giao cho Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý khu đất và lập dự án chuẩn bị xây dựng khu đô thị Tây Bắc. Đến nay vẫn còn 205 trường hợp thuộc các hợp đồng thuê khoán đất, trong đó có gần 180 trường hợp có hợp đồng thuê khoán đất với thời hạn 20-30 năm.
Vì vậy, ông Lê và nhiều người dân đề nghị chính quyền TP.HCM có chính sách hỗ trợ, bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Xuân Lê cho biết ông cùng những người dân khác mua đất (của người thuê khoán đất nông trường) đã phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc cải tạo khu đất hoang hóa và nay đất đai ở đây mới màu mỡ.
“Tôi và những hộ dân ở đây rất vui vẻ chấp hành quyết định thu hồi đất để xây dựng khu đô thị Tây Bắc nhưng cũng đề nghị được bồi thường, hỗ trợ về hoa màu, chi phí đầu tư cải tạo đất theo Nghị định 47/2014 và Quyết định 23/2015 của UBND TP” - ông Lê nói và cho biết ông chỉ đề đạt mong muốn cho người dân được hưởng cái gì mà quy định cho phép.
Đại diện UBND huyện Củ Chi cho biết khu vực Nông trường Tam Tân trước đây là vùng bưng biền nhưng nay là vườn cây ăn trái, hoa màu thì cho thấy công sức của người dân bỏ ra rất lớn.
Vì vậy, các kiến nghị của người dân là chính đáng. Ngoài ra, hiện nay khu vực này được quy hoạch làm dự án nhưng chưa có nhà đầu tư nên để tránh đất hoang hóa, gây lãng phí thì đề nghị cho người dân tiếp tục được thuê đất với thời hạn hợp lý, đến khi có nhà đầu tư thực hiện dự án thì thu hồi, bàn giao cho nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lắng nghe ông Lê trình bày vụ việc. Ảnh: TÁ LÂM

Trước sự việc như thế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ghi nhận công sức của các hộ dân trong cải tạo đất hoang hóa, cải tạo chăm sóc để biến vùng đất hoang hóa thành màu mỡ, đóng góp vào sự phát triển của TP.

“Gắn bó hàng chục năm với mảnh đất, giờ phải rời xa, điều này dứt khoát có gây ảnh hưởng đến việc sản xuất ổn định của người dân. Tôi đề nghị các ngành khảo sát kiểm tra thực tế, từ đó đề xuất hướng giải quyết theo các yêu cầu nguyện vọng của người dân” - ông Phong nói và cho rằng phải xem xét quá trình canh tác lâu dài của người dân trên tinh thần vận dụng các quy định của pháp luật để giải quyết theo hướng có lợi nhất cho dân.
Ông Phong giao Sở TN&MT chủ trì cùng với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ban quản lý khu đô thị Tây Bắc và UBND huyện Củ Chi kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất cụ thể của 205 hộ dân hiện nay. Từ đó tham mưu cho UBND TP xem xét các đề nghị của người dân và đích ông sẽ lắng nghe lại và có quyết định cụ thể. Thời gian thực hiện trong 30 ngày.
“Không phải bà con ai cũng rành pháp luật. Do đó cần phải chia sẻ với người dân về vấn đề này. Cố gắng vận dụng các quy định pháp luật để giải quyết cho người dân theo hướng có lợi nhất” - ông Phong nói.
Nghe chủ tịch TP.HCM nói như vậy, ông Lê rất cảm động và mong muốn sự việc được giải quyết thấu đáo. “Tôi tin là UBND TP sẽ không bỏ người dân” - ông Lê nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm