Tổng thống Trump ký bản ghi nhớ rút khỏi TPP

Vào sáng ngày 23-1 (theo giờ miền đông nước Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã ký ba bản ghi nhớ, trong đó bao gồm quyết định yêu cầu chính phủ Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng, tân tổng thống Mỹ khẳng định: “Chúng ta nói về chuyện này nhiều rồi. Điều chúng ta vừa thực hiện là một quyết định tuyệt vời cho người lao động Mỹ”. Trước đó, ông Trump nhận định ngày 23-1 mới là ngày làm việc “thật sự” đầu tiên của ông sau lễ nhậm chức ngày 20-1.

Tân tổng thống Donald Trump ký bản ghi nhớ yêu cầu chính phủ rút khỏi TPP. Ảnh: Reuters

Việc rút khỏi hiệp định thương mại này chính là một trong những lời hứa hẹn lớn nhất của ông Trump trong thời gian tranh cử.

TPP từng được xem là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới nếu như được 12 nước thành viên thông qua thành công. Hiệp định này từng nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, và được chính phủ Cựu tổng thống Barack Obama thúc đẩy đàm phán mạnh mẽ. TPP từng được xem là hòn đá tảng về mặt kinh tế đối với chiến lược xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong suốt cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2015 đều 2016, ông Donald Trump cùng nhiều ứng cử viên đã lập luận rằng TPP vô cùng tai hại đối với người lao động Mỹ, làm suy yếu khu vực công nghiệp chế xuất của Mỹ.

“Chúng ta sẽ vẫn có thương mại, nhưng là thương mại song phương. Nếu có ai đó cư xử không phải phép, chúng ta sẽ gửi tối hậu thư và họ sẽ chỉ có 30 ngày để giải quyết”, kênh truyền hình Fox News dẫn lại khẳng định của ông Trump.

Bên cạnh văn bản quyết định rút khỏi TPP, ông Trump còn ký thêm hai bản ghi nhớ khác. Một văn bản quyết định ngưng thuê thêm nhân sự liên bang “trừ trường hợp quân đội.”. Bản ghi nhớ còn lại tái xác nhận đạo luật cấm xài tiền thuế liên bang để tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủng hộ hoặc chi trả cho việc nạo phá thai.

Trả lời hãng tin ABC News, Tổng thống Donald Trump sắp tới sẽ ký thêm một số sắc lệnh hành pháp liên quan đến vấn đề nhập cư, đạo luật bảo hiểm y tế Obamacare, và đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới