TP.HCM: 25-30% lãnh đạo, quản lý phải làm việc được ở môi trường quốc tế

Sáng 18-2, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

chi-tieu-cchc-tphcm-10-nam

Hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022 được tổ chức trực tuyến. Ảnh: LÊ THOA

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trọng tâm CCHC của TP trong 10 năm tới (giai đoạn 2021-2030) là cải cách thể chế.

Trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, gương mẫu, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của TP.

Đồng thời, tổ chức chính quyền đô thị, hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

Mức độ hài lòng trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên 95%

Theo ông Nhân, mỗi mục tiêu cụ thể được chia làm hai giai đoạn, gồm giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Cụ thể, về cải cách thủ tục hành chính, trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM sẽ hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, trên 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. Đến năm 2025, có 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

chi-tieu-cchc-tphcm-10-nam

TP.HCM đặt hàng loạt mục tiêu để nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Ảnh: LÊ THOA

Ông Nhân cho biết mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC phải đạt trên 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt trên 90%. 100% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố công khai và cập nhật kịp thời.

Đáng chú ý, trên 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.

Còn trong giai đoạn 2026-2030, 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công TP; trên 90% TTHC được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia; tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt trên 80%.

90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 97%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt trên 95%.

Lãnh đạo, quản lý phải có khả năng làm việc quốc tế

Về cải cách chế độ công vụ, trong giai đoạn 2021-2025, TP sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của TP ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực có đức, có tài, ngang tầm với nhiệm vụ phát triển TP, đất nước.

Trong giai đoạn 2026-2030, TP xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Gồm 25%-35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Ngoài ra, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong giai đoạn 2021-2025, TP đặt ra mục tiêu 100% cơ sở dữ liệu TP tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

80% các hệ thống thông tin của TP có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại.

Đặc biệt, 100% hồ sơ công việc tại cấp TP, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Trong giai đoạn 2026-2030, mục tiêu của TP là có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên cả điện thoại thông minh. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ có nội dung mật). 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng....

Năm 2021, TP.HCM tinh giản 545 cán bộ

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết tính đến tháng 12-2021, TP hiện có 1.746 TTHC đang áp dụng và 1.252 quy trình nội bộ. Tổng số hồ sơ các sở, ban, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nhận giải quyết là hơn 17,8 triệu hồ sơ, đã giải quyết hơn 17,4 triệu hồ sơ. Trong đó có 32.243 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỉ lệ 0,19%) với 32.027 hồ sơ đã được thực hiện Thư xin lỗi.

Cũng tính đến thời điểm này có 805/1746 TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hiện số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là hơn 3,2 triệu hồ sơ.

Vừa qua, TP đã tiếp nhận 4.220 trường hợp phản ánh kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, đã có kết quả phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền và công khai kết quả xử lý đến người dân, doanh nghiệp đối với 3.756 trường hợp; có 676 trường hợp đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong năm, TP phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 545 trường hợp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm