TP.HCM cần tăng 'quản trị thực thi' để bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM sau khi kết thúc quý I-2022, TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh vai trò của hệ thống quản trị thực thi, tức hệ thống tổng hợp thông tin chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ cho việc quản trị, điều hành của lãnh đạo TP.HCM.

Dịch bệnh vẫn là trở lực lớn

. Phóng viên:Nhìn tổng thể quý I vừa qua, ông đánh giá thế nào về mối tương quan giữa tình hình dịch bệnh và đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM?

+ TS Trương Minh Huy Vũ: COVID-19 vẫn tiếp tục là lực cản lớn với nền kinh tế. Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn chưa thể xem COVID-19 là bệnh lưu hành, mà vẫn cần tiếp tục xem đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, ít nhất là trong vài tháng tới - như ý kiến tư vấn của các chuyên gia y tế. Trong bối cảnh đó, quý I vừa qua cho thấy trụ cột quan trọng trong cấu trúc kinh tế của TP.HCM là thương mại, dịch vụ và công nghiệp đi kèm hoạt động xuất nhập khẩu đã phục hồi mạnh mẽ.

TS Trương Minh Huy Vũ

Một số yếu tố nguy cơ cần lưu ý, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (RCID), thuộc ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, đó là: (i) Xét về mức độ toàn cầu, tỉ lệ nhiễm cao (do vaccine không tạo ra khả năng bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ nhiễm) khiến virus liên tục sinh sôi và phát sinh các đột biến; (ii) Các công bố khoa học cho thấy hiệu lực vaccine giảm dần theo thời gian, tạo nguy cơ cho làn sóng dịch bệnh kế tiếp.

Để đối đầu với những thách thức đó, việc đầu tư phát triển các nghiên cứu hoặc ứng dụng sinh học trong vấn đề bảo vệ sức khỏe là rất cần thiết, thậm chí nên đặt vấn đề cần phát triển TP.HCM thành trung tâm công nghệ y sinh quốc gia và khu vực.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ chia sẻ áp lực giao thông với quốc lộ 22 đang
quá tải. Ảnh: NGUYỆT NHI

Huy động nguồn lực, rút ngắn thủ tục hành chính

. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đâu là những “nút thắt” lớn mà chính quyền TP cần tháo gỡ sớm để tiếp đà phục hồi kinh tế - xã hội?

+ TP.HCM cần các biện pháp khác nhau để huy động nguồn lực cho các dự án trọng điểm như vành đai 3, khép kín vành đai 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh)… Giải pháp huy động hiệu quả nguồn vốn từ quỹ đất khi thực hiện các dự án trọng điểm của TP là rất quan trọng. Cần lưu ý thêm, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm đã cung cấp cho TP thêm “dữ liệu” và “cơ sở” để hình thành quan điểm đối với việc huy động nguồn lực từ xã hội. TP tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời tìm giải pháp giải quyết các vấn đề phát sinh. Nhìn từ xu hướng và cách tiếp cận của thế giới, phương thức huy động nguồn lực thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là phù hợp.

Trong quý II, dự tính sẽ có rất nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi với nhà đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư để tiếp tục thúc đẩy đà hồi phục, phát triển. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra chính là: Nội bộ cán bộ, bộ máy của TP đã sẵn sàng cho những dự tính, công việc này hay chưa? Tâm lý cố thủ, ngại chủ động, ngại công việc khó, ngại sáng tạo, đặc biệt là với cán bộ trong khối chính quyền, đang là một rào cản rất lớn cho việc thực hiện hiệu quả các kế hoạch TP đặt ra. Hiện nay, đây không phải là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề “nhận thức - tâm lý”, cần quyết tâm từ nhiều phía.

Ngoài ra, dịch bệnh đã tạo ra những khó khăn, cản trở, áp lực cho việc thực hiện thủ tục hành chính, vì vậy tiết giảm, rút ngắn các thủ tục càng phải được ráo riết thực hiện. Không thể để “áp lực kép”, vừa do dịch bệnh và vừa trì trệ do yếu tố con người, làm chậm quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh của TP mà lãnh đạo chính quyền đã đặt ra.

Xây dựng hệ thống quản trị thực thi

. Trước những yêu cầu về huy động nguồn lực, cải tổ bộ máy hành chính, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm cần sớm được triển khai?

+ Trong các nhiệm vụ trọng tâm quý II, có những nhiệm vụ mang tính thường xuyên, tức là TP sẽ tiếp tục triển khai việc cũ đang làm. Với những nhiệm vụ hoàn thành một giai đoạn, TP cần tiếp tục xúc tiến, đeo bám giai đoạn tiếp theo. Và cũng có những nhiệm vụ mới được đặt ra do nhu cầu phục hồi, tăng tốc phát triển.

Quan trọng không kém, có một số nhiệm vụ cần phải giải quyết để xử lý các “vấn đề nóng” trong quý II nhưng có những nhiệm vụ mang tính dài hạn, đóng vai trò “kiến tạo nền tảng mới” cho phát triển của TP, không chỉ trước mắt mà còn cả tương lai lâu dài. Đó là bốn việc quan trọng sau đây: (i) Tổng kết Nghị quyết NQ-16/BCT về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và Nghị quyết NQ-54/QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM; (ii) Tiếp tục lấy ý kiến và thúc đẩy thực thi Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; (iii) Tiếp tục rà soát và hoàn thiện thực hiện Đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; (iv) Chương trình chuyển đổi số tại TP.HCM, cùng chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020-2025.

Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của hệ thống quản trị thực thi - mà trong báo cáo quý của UBND TP.HCM có đặt ra - là nhiệm vụ xây dựng “Hệ thống tổng hợp thông tin chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ quản trị, điều hành của lãnh đạo TP”. Nói cách khác, TP sẽ phải thúc đẩy, hiện thực hóa hệ thống quản trị công việc để giám sát hiệu quả, đánh giá đúng số lượng, chất lượng, đóng góp của các sở ngành, quận huyện.

. Xin cám ơn ông.

Xây dựng hình ảnh chính quyền TP.HCM

Nổi bật trong quý I-2022 và nhất là hai tháng sau tết là thông điệp “nói và làm” hay “nói ít làm nhiều” từ hàng loạt hoạt động kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, thúc đẩy dự án giao thông trọng điểm, đối thoại với nhà đầu tư, phục dựng - chỉnh trang công trình công cộng. Thông điệp và hình ảnh này cần tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện nhất quán, đặc biệt là đồng bộ từ cấp lãnh đạo TP đến các quận, huyện, TP Thủ Đức. Trong quý II-2022 rất cần có những thông tin kết quả, con số “nghiệm thu” thực tế đóng góp vào sự phát triển chung. Mặt khác, cần công khai những cam kết từ trước nay thực hiện đến đâu (ví dụ: Đề án 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, dự án nhà ven kênh rạch, phát triển y tế cơ sở…). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm