TP.HCM: Chỉ còn 6 ca tử vong do COVID-19 trong ngày

Chiều 24-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Ca mắc mới và tử vong do COVID-19 giảm sâu

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, cho biết số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 ở TP những ngày gần đây tiếp tục giảm sâu.

Tính đến 18 giờ ngày 23-1, có hơn 513.000 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. TP đang điều trị cho 2.563 bệnh nhân (BN), trong đó có 54 trẻ em dưới 16 tuổi, 204 BN nặng đang thở máy và 16 BN can thiệp ECMO.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung và nhắc lại cho người dân ở TP.HCM.  Ảnh:  HOÀNG GIANG

Riêng trong ngày 23-1, TP.HCM ghi nhận 138 ca COVID-19 mắc mới, giảm sâu so với các ngày trước đó (ngày 22-1 có 214 ca, ngày 21-1 có 227 ca). Số ca tử vong cũng giảm khi ngày 21-1 có 10 ca và đến ngày 23-1 có sáu ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 20.305 người.

Trong ngày 23-1, ông Hải cũng cho biết có 92 BN nhập viện, 110 BN xuất viện. Ông Hải tiếp tục khẳng định những con số đó cho thấy TP.HCM có nhiều tín hiệu rất lạc quan.

TP.HCM ghi nhận tổng cộng 88 ca Omicron

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến nay, TP ghi nhận 88 ca mắc Omicron, trong đó có năm ca cộng đồng, còn lại 83 ca nhập cảnh vào TP.HCM.

Theo ông Tâm, năm ca cộng đồng này đều liên quan đến ca nhiễm đầu tiên nhập cảnh vào Cam Ranh (bà NTNP, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh). Đến nay chưa phát hiện thêm ca nhiễm cộng đồng mới nào. 

Lượng hành khách đi về các tỉnh dịp tết giảm mạnh

Về công tác chuẩn bị phục vụ vận tải hành khách dịp tết Nguyên đán, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay, TP.HCM đã cho hoạt động trở lại 315 tuyến vận tải hành khách đường bộ cố định (trong tổng số 418 tuyến) đến 50 tỉnh, thành trong cả nước (trong tổng số 57 tỉnh, thành đã hoạt động trước dịch). Chỉ còn tỉnh Bình Phước chưa tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô trở lại do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh còn phức tạp. Còn sáu tỉnh gồm Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Ninh và Hưng Yên đã hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô trở lại nhưng chưa có đơn vị đăng ký do lượng hành khách đi thấp.

Theo ông An, dự báo lượng hành khách đi lại cao điểm năm nay tối đa chỉ bằng 50% so với dịp tết Nguyên đán năm ngoái. Tuy nhiên, ông An cũng khẳng định tình hình đi lại có thể thay đổi nếu các tỉnh, thành điều chỉnh phương án phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, cao điểm vào ngày 27 tháng Chạp, dự kiến không quá 60.000 hành khách.

Về công suất tiếp nhận của các bến xe, ông An khẳng định khoảng 15.000 xe/ngày, tương ứng với 341.000 hành khách/ngày.

Về giá vé, ông An cho biết phần lớn với mức tăng không quá 40% đối với các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, Tây Ninh và không quá 60% các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh còn lại.

6 tỉ đồng chăm lo cho trẻ mồ côi vì COVID-19

Về chăm lo cho trẻ mồ côi vì COVID-19, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết TP.HCM có khoảng 2.200 trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Trong đó có 28 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 840 trẻ mất mẹ và 1.253 trẻ mất cha.

Tính đến ngày 25-1, TP.HCM dự kiến chăm lo cho các em khoảng 6 tỉ đồng. Trong dịp tết Nguyên đán, ông cho biết TP đã đưa ra nhiều hoạt động để chăm lo cho các em như trao 1.500 phần quà cho trẻ mồ côi vì COVID-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phối hợp với các đơn vị vận động nguồn lực chăm lo cho các em, tổ chức các chương trình cho các em đón tết...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm