TP.HCM chốt chỉ tiêu tăng trưởng 2021 là 6% trở lên

Chiều 9-12, kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX đã bế mạc. Đến dự có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Cán bộ phải không ngừng nỗ lực, đổi mới

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhắc lại lời của ông Nguyễn Văn Nên “không để nợ lời hứa với dân thành nợ xấu” và đề nghị từng đại biểu HĐND TP cần rà soát toàn bộ công việc của mình. Bà Lệ đặc biệt lưu ý những việc đã hứa với dân để đánh giá những gì mình đã làm được và việc gì còn chưa làm để tập trung giải quyết.

Do vậy, trong thời gian tới, bà Lệ đề nghị các đại biểu cần tăng cường phối hợp giám sát giữa HĐND TP với các cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm cuối nhiệm kỳ. Trong đó cần tập trung giám sát sâu hơn những vấn đề cử tri TP quan tâm về triển khai kế hoạch thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cùng đó, giám sát thực hiện Đề án thành lập TP Thủ Đức, trọng tâm là triển khai đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP; giám sát kế hoạch triển khai việc điều chỉnh quy hoạch chung của ba quận để hình thành quy hoạch chung xây dựng TP Thủ Đức.

Theo bà Lệ, TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm kinh tế công nghệ cao lớn nhất của TP.HCM, trở thành TP kinh tế tri thức, TP của trí tuệ nhân tạo, là TP đáng sống, TP xanh và là TP hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, bà Lệ cũng đề nghị các đại biểu tập trung giám sát việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dân. Giám sát về trật tự an toàn xã hội, về vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và công tác vận động nhân dân để tiếp tục có những mô hình và giải pháp hiệu quả thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI và các nghị quyết của HĐND TP đề ra.

Đối với chính quyền TP.HCM, bà Lệ đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết đã được HĐND thông qua; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân để có những giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực. “Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức TP cần phải không ngừng nỗ lực rèn luyện…, chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới trong phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ” - bà Lệ nói.

 

TP.HCM dự thu hơn 1,9 triệu tỉ đồng ngân sách

Tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025. Theo đó, TP.HCM phấn đấu thu khoảng 1,9 triệu tỉ đồng cho ngân sách trong năm năm tới, tỉ trọng thu nội địa bình quân khoảng 69% tổng thu ngân sách nhà nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Cũng trong phiên bế mạc, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021 với 20 chỉ tiêu. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) phấn đấu đạt từ 6% trở lên, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.

Một số chỉ tiêu khác đã được thông qua như tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 12,76%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP đạt 2,26 km/km2. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,04 m2/người. Mặt khác, phấn đấu TP nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Tỉ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91% trở lên.

Để thực hiện các mục tiêu này, UBND TP đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Trong đó đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng đó là tập trung cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đầu tư; có các giải pháp mạnh mẽ để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các tiêu chí còn hạn chế.

Bên cạnh đó, TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Trong đó TP sẽ triển khai đầy đủ, kịp thời gói hỗ trợ doanh nghiệp lần hai do ảnh hưởng của dịch bệnh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường nội địa, mở rộng chương trình liên kết hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.

Ngoài ra, TP sẽ đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. TP cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Đồng thời giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.