TP.HCM chưa phát hiện biến chủng mới Omicron

 Video: TP.HCM chưa phát hiện biến chủng mới Omicron

Chiều 6-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM có nguy cơ xuất hiện biến chủng Omicron

Tại cuộc họp báo, trả lời về vấn đề ứng phó với biến chủng Omicron, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết Sở Y tế đã phối hợp với Bộ Tư lệnh và Công an TP.HCM xây dựng, tham mưu thế trận y tế. Theo đó, các đơn vị được giao sẽ nhận diện từ xa, khi biến chủng vào TP.HCM thì sẽ có kế hoạch tác chiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm nhanh chóng dập dịch.

Theo bà Mai, TP.HCM sẽ mở khu tiếp nhận, cách ly và điều trị riêng khi phát hiện biến chủng mới Omicron. Dự kiến khu này ở Bệnh viện (BV) dã chiến số 12 (TP Thủ Đức). Bởi vì BV này đang trống và tương đối biệt lập.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm nào từ biến chủng mới Omicron.

Với mức độ có thể lây lan gấp năm lần so với biến chủng Delta, ông Tâm cho rằng đây là biến chủng đáng lo ngại và TP.HCM cũng có nguy cơ xuất hiện biến chủng này, bởi một số nước Đông Nam Á đã xuất hiện Omicron.

Do vậy, ngành y tế TP.HCM đã đưa ra kế hoạch ứng phó với biến chủng này. Thứ nhất, sẽ tập trung ngăn chặn nguy cơ từ nguồn xuất nhập cảnh chính thức qua sân bay Tân Sơn Nhất, hàng hải… Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine vào TP.HCM sẽ phải cách ly tập trung bảy ngày. Nếu người nhập cảnh dương tính, trung tâm sẽ phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM giải trình tự gen để phân tích và hiện chưa phát hiện biến chủng Omicron.

Thứ hai, đối với nguồn nhập cảnh trái phép, ngành y tế đã phối hợp với lực lượng công an để rà soát, kiểm soát, ngăn chặn.

 

Đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh
khi quay lại trường

Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Sư phạm nhằm đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh khi quay lại trường.

“Với các học sinh chưa quay lại trường có vấn đề tâm lý, sở cũng đã giao trường, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận liên quan theo dõi, đặc biệt là kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học” - đại diện Sở GD&ĐT nói và cho rằng cần phải duy trì kênh học trực tuyến.

Dừng việc giải thể bệnh viện dã chiến

Trước việc F0 tăng, liên quan đến lộ trình giải thể các BV dã chiến, thu dung trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết đến nay, TP.HCM đã giải thể tám BV dã chiến. Hiện còn 13 BV dã chiến sẽ không giải thể theo lộ trình từng đặt ra. “Sở Y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này để đủ điều kiện thành BV ba tầng nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống” - bà Mai nói.

Để kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong, bà Mai cho biết trong năm 2022, TP.HCM sẽ triển khai chiến lược chăm sóc người già.

Theo đó, người trên 65 tuổi có bệnh nền sẽ được rà soát, khám, xét nghiệm và tư vấn. Người chưa được tiêm thì sẽ tiêm vaccine. Nếu có bệnh nền, người dân sẽ được lực lượng tư vấn theo dõi sức khỏe, chăm sóc. “Nếu được xác định là F0, bệnh nhân có thể nhập viện hoặc cách ly ở nhà nếu đủ điều kiện” - bà Mai nói.

Đảm bảo kế hoạch đi học trở lại chỉn chu

Tại họp báo, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đã trả lời câu hỏi liên quan đến kết quả khảo sát hơn 85.400 phụ huynh không đồng ý (hơn 70%) cho trẻ lớp 1 đi học trực tiếp từ ngày 13-12. “Qua số liệu khảo sát cho thấy sự lo lắng của một bộ phận phụ huynh, đặc biệt là với trẻ sáu tuổi. Nhiều phụ huynh chưa yên tâm” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, để yên lòng phụ huynh và học sinh, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Y tế để đảm bảo kế hoạch đi học trở lại cụ thể, chỉn chu. Sở GD&ĐT cùng các địa phương cần tuyên truyền với phụ huynh học sinh về cơ sở vật chất để các cha mẹ yên tâm.

“Làm sao để sự lo lắng của phụ huynh biến thành động lực, hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo khi học sinh đi học trở lại” - ông Dũng nói.

Trả lời câu hỏi khi các em học sinh quay lại trường, dạy học như thế nào cho hiệu quả, ông Dương Trí Dũng cho biết đã chuẩn bị phương án đi học trở lại cụ thể sau khi có kế hoạch của UBND TP cho phép một số cấp lớp đến trường. Các phòng tham mưu chuyên môn cũng đã hướng dẫn kế hoạch học trực tiếp với từng cấp học, bậc học cụ thể.

Ông Dũng cho rằng song song với việc học trực tiếp trong thời gian thí điểm, Sở GD&ĐT TP.HCM vẫn duy trì kênh học trực tuyến. “Đây là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong thời điểm, bởi vẫn còn một bộ phận học sinh chưa tới trường, đảm bảo trẻ bắt nhịp với kế hoạch chung của TP.HCM” - ông Dũng nói.•

 

Thông báo mới ngày 6-12 về cấp độ dịch
trên địa bàn TP.HCM

Ngày 6-12, UBND TP.HCM đã có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, TP.HCM vẫn đang ở cấp độ dịch là cấp 2.

Ở quận, huyện, TP Thủ Đức: 8/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), 13/22 địa phương đạt cấp độ 2 (vùng vàng) và một địa phương ở cấp độ 3 (vùng cam).

Đối với cấp xã: 104/312 địa phương đạt cấp độ 1; 187/312 địa phương đạt cấp độ 2 và 21/312 địa phương cấp độ 3.

Cụ thể: Tám địa phương đạt cấp độ 1 gồm: Các quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Một địa phương đạt cấp độ 3 là quận 4.

Theo báo cáo, có ba quận tăng cấp độ dịch so với tuần trước: Hai quận tăng từ cấp 1 lên cấp 2 (quận 11, huyện Cần Giờ) và một quận tăng từ cấp 2 lên cấp 3 (quận 4). Một quận giảm cấp độ dịch so với tuần trước là quận Tân Phú (từ cấp 2 xuống cấp 1).

Có 20 xã, phường giảm cấp độ dịch và 56 xã, phường tăng cấp độ dịch.

LÊ THOA - TÁ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm