TP.HCM đầu tư xây dựng thư viện hiện đại tại 17 trường

Tại Hội nghị bàn về các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TP và giới thiệu nguồn vốn kích cầu đầu tư của TP diễn ra sáng 23-6, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, TP đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng thư viện tiên tiến tại  17 trường phổ thông trên địa bàn.

Thư viện thông minh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đi vào hoạt động từ năm học 2019-2020.

Ông Nam cho biết, để tận dụng chương trình kích cầu đầu tư của TP, Sở GD&ĐT phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HUFIC) hỗ trợ các trường hoàn thành hồ sơ thủ tục vay vốn xây dựng thư viện thông minh.

Ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài Chính, Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay dự án “Thư viện tiên tiến Hiện đại” là một trong hai dự án trọng điểm mà thường trực UBND TP giao nhiệm vụ cho ngành GD&ĐT.

Những năm qua, trung bình mỗi năm TP bố trí khoảng 3.400 tỉ đồng ngân sách để đầu tư xây dựng mới, tăng thêm hơn 1.500 phòng học ở các cấp, bậc học và chi khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện công tác mua sắm, sửa chữa trong dịp hè.

Tuy nhiên, việc đầu tư này chỉ đảm bảo tăng cường cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu cho con em trong độ tuổi, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 40.000 đến 60.000 học sinh.

Ngoài thư viện tiên tiến tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM đang chuẩn bị phê duyệt cho 16 đơn vị về chủ trương kích cầu đầu tư.

Vì vậy, việc đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư là để phát triển điều kiện cơ sở vật chất trường học theo hướng hiện đại.

Từ năm 2000, TP đã ban hành Quyết định về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư với mục tiêu hỗ trợ các cơ quan, đơn vị chủ động trong công tác đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất.

Tại quyết định số 50 của UBND TP về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư, TP luôn ưu tiên và tạo điều kiện hỗ trợ ưu đãi cho các dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT của TP.

Cụ thể, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm và được hỗ trợ lãi suất đối với toàn bộ số vốn vay của dự án để đầu tư xây dựng cơ bản, công nghệ và thiết bị. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 tỷ đồng cho 1 dự án. (Trong trường hợp đơn vị có nhu cầu hỗ trợ trên mức quy định về thời gian và hạn mức thì trình UBND TP xem xét, quyết định).

Theo ông Dũng, thời gian vừa qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã được UBND TP chấp thuận cho tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của TP với thời gian hỗ trợ 7 năm, mức lãi suất được ngân sách hỗ trợ là toàn bộ lãi vay bằng tổng mức đầu tư dự án là 14,645 tỉ đồng. Đến nay dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2020 phục vụ rất hiệu quả cho nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh trong nhà trường.

Thư viện hoạt động theo hình thức xã hội hóa, phụ huynh đóng góp, ngân sách TP trả lãi vay. 

Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết hiện nay phụ huynh vẫn có tâm lý e dè khi được vận động đóng góp tiền xây dựng thư viện.

“Để nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, trước hết cần thay đổi quan niệm giáo dục trong nhà trường. Hiện trường đang áp dụng 2 mô hình học tập. Đó là “lớp học trong thư viện” (học sinh học trực tiếp tại thư viện) và “thư viện trong lớp học” (phủ sóng wifi toàn trường để học sinh ngồi học nhưng có thể truy cập vào kho tài nguyên số của thư viện). Chính điều đó sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về hiệu quả khi sử dụng thư viện”, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đại Nghĩa khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm