TP.HCM: Đi chợ​ hộ, tổng đài 1022 đều quá ​tải

Chiều 27-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Hầu hết vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, đời sống của người dân TP đang gặp quá tải.

Mô hình hoàn toàn mới nên gặp nhiều khó khăn

Cho đến hết ngày 27-8, TP.HCM đã chính thức áp dụng mô hình đi chợ hộ được năm ngày kể từ khi TP siết chặt giãn cách xã hội (từ 0 giờ ngày 23-8). Thực tế, rất nhiều hộ dân đã gặp khó khăn khi mua hàng hóa và cả đội ngũ mua hàng hộ cũng gặp khó khăn tương tự.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, chia sẻ: “Sau năm ngày triển khai, việc đi chợ thay có khó khăn. Đó là nhiều người dân phản ánh việc liên hệ với các đầu mối tổng đài quá tải, mặt hàng không được giao. Sở đã nhận thông tin từ các đầu mối, đặc biệt là từ báo chí, phản ánh tình hình khó khăn trong cung ứng hàng hóa cho người dân. Chúng tôi cũng muốn nhờ báo chí tiếp tục xác minh những việc đó ở đâu, như thế nào để sở can thiệp... Hay việc phát phiếu mua hàng thì đăng ký rồi vẫn không có phiếu mua hàng. Hoặc có những trường hợp mua hàng rồi nhưng giao lại khó bởi đến thì gia đình đóng cửa, tổ giao hàng gõ cửa không thấy nên việc phân phối có tình trạng hàng giao trễ, hư hỏng…”.

Theo lời ông Phương, cung ứng hàng hóa cho người dân theo mô hình đi chợ hộ là việc hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm triển khai cho nhiều đối tượng đi chợ thay. “Người đi chợ thay có rất nhiều người là thiện nguyện ở địa phương, là các cô chú hưu trí, thậm chí là thành viên tổ COVID-19 cộng đồng; mọi người không có chuyên môn hay hiểu biết rõ về công nghệ thông tin, thương mại điện tử… nên nhiều người phải viết tay đơn hàng mua hộ rất khó khăn. Để giải quyết cho người dân, sở đã phân công các đầu mối phụ trách địa bàn quận, huyện để cung cấp cho người dân. Khi người dân khó khăn thì liên hệ ngay tổ dân phố, ủy ban phường, Phòng Kinh tế quận, huyện và cuối cùng đầu mối phụ trách quận, huyện của sở chúng tôi. Chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương cung cấp đầu mối này đến người dân”.

Đoàn phường 15 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng với bộ đội soạn các đơn hàng đi chợ hộ để kịp giao đến cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thêm hơn 103.000 lọ thuốc remdesivir được phân bổ

Bộ Y tế ngày 27-8 phân bổ 103.680 lọ thuốc remdesivir điều trị Covid-19 cho 33 đơn vị, phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

12 bệnh viện (trong đó có các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19), 21 Sở Y tế tỉnh, thành gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, An Giang, Tiền Giang và Tây Ninh nhận thuốc đợt này. 

Cổng giao tiếp 1022 quá tải

Tương tự, tình trạng quá tải đi chợ hộ, tổng đài 1022 - kênh giao tiếp giữa chính quyền TP với người dân trong đợt dịch COVID-19 này cũng quá tải.

Hiện nay, cổng thông tin 1022 có năm kênh tiếp nhận chính, bao gồm gọi điện thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Cổng thông tin 1022 đang tiếp nhận các loại thông tin: Phím 0 (phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19); phím 1 (gửi ý kiến góp ý, hiến kế của người dân đến thường trực HĐND TP để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch COVID-19); phím 2 (kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19); phím 3 (kênh tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng chống dịch bệnh COVID-19) và phím 4 (kết nối với mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân TP.HCM).

“Hiện mỗi ca có 50 tổng đài viên, thường tiếp nhận được khoảng 7.000 cuộc gọi/ngày và chúng tôi cố gắng xử lý mỗi cuộc gọi khoảng 3 phút. Cho đến giờ, mỗi ngày khoảng 20.000 cuộc gọi, nhiều nhất là nhánh hai trực 24/7 về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn; hay nhánh ba hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cũng quá tải cục bộ bởi chúng tôi chỉ có ba ca tư vấn. Việc tiếp nhận thực tế gặp nhiều vấn đề, đơn cử như nhánh hai, từ ngày 22-7 đến 25-8, xử lý hơn 179.000 cuộc gọi hỗ trợ từ người dân. Từ đó, chúng tôi xử lý thành công 70% tổng số tin, phần thông tin còn lại của bà con chưa thể xử lý bởi thông tin cung cấp chưa đủ, việc xác nhận nhập liệu lại gây mất thời gian” - ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, chia sẻ.

TP.HCM tìm nguồn vaccine đủ để tiêm mũi 2 cho người dân

Đến hết ngày 26-8, TP.HCM đã tiêm được 5.741.654 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147.

Trả lời về việc TP chuẩn bị nguồn vaccine như thế nào để việc triển khai tiêm mũi 2 không quá thời hạn, vaccine đạt hiệu quả tối ưu? Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết: “Người dân khi tiêm mũi 1 đã có hệ thống dữ liệu lưu trữ thông tin. Khi tới thời hạn tiêm mũi 2, y tế địa phương sẽ có tin nhắn, giấy mời tiêm. Tùy theo loại vaccine mà thời hạn hai mũi cách nhau khác nhau. Tuy nhiên, khi tiêm vaccine mũi 2 cách mũi 1 trễ hơn hoặc sớm hơn không có nghĩa là không có hiệu quả phòng bệnh, mà chỉ giảm so với hiệu quả tối ưu nhà sản xuất khuyến cáo”.

Ông Hồng Tâm cũng khẳng định ông chưa tìm thấy thông tin chính thức quận 10 tổ chức tiêm vaccine cho người 12 - 18 tuổi. “Trên quan điểm về làm công tác y tế, tôi xin chia sẻ rằng hiện chỉ có vaccine Pfizer là nhà sản xuất cho phép dùng với người 12-18 tuổi. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chỉ cho phép tiêm với người trên 18 tuổi và chưa có hướng dẫn mới. Ngành y tế TP vẫn theo hướng dẫn này, chưa tiêm cho người dưới 18 tuổi”.

Hiện TP đang tích cực tìm nguồn vaccine để có thể tiêm đủ 75% cho người trên 18 tuổi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm