TP.HCM: Doanh thu từ du lịch lữ hành giảm

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (thương nghiệp, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác) tháng 2 dự ước đạt 89.093 tỉ đồng tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ.  

Trong tháng 2 gần như các nhóm ngành hàng của hoạt động bán lẻ đều có doanh thu giảm so với tháng 1 (tháng trước Tết).

Chỉ riêng một số mặt hàng có doanh thu tăng so với tháng trước là vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 8,3% do học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp. Xăng, dầu các loại tăng 11%, nhiên liệu tăng 5% do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới liên tục tăng từ đầu năm đến nay, kéo theo giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng.

Hai nhóm mặt hàng có doanh thu tăng khá là lương thực, thực phẩm tăng 10,1% và sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 17,5%.

Ngoài ra, nhóm mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm cũng tăng 4,8% so với tháng trước do biến động giá vàng thời gian qua cũng như do nhu cầu mua sắm của người dân tăng vào Ngày vía Thần Tài. 

Dịch COVID-19 tác động đến tâm lí du khách trong lựa chọn du lịch Tết khiến doanh thu ngành du lịch hai tháng đầu năm giảm. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Trong tháng 2, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.549 tỉ đồng, chiếm 6,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 18,1% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ.

So với tháng trước, doanh thu từ hoạt động ăn uống tăng 19,8% và ngành lưu trú tăng 3,9% do người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết, cũng như đến để khám chữa bệnh, du lịch, học tập, làm việc tăng lên.

Lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 10.247 tỉ đồng, giảm 28,1% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch, lữ hành tháng 2 ước đạt 470 tỉ đồng, giảm 7,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Thông thường vào tết Nguyên đán thì nhu cầu du lịch trong và ngoài nước của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tăng đã tác động đến tâm lý lựa chọn hình thức giải trí, du xuân của người dân, làm cho doanh thu của các đơn vị hoạt động lĩnh vực này vẫn sụt giảm so với tháng trước.

Lũy kế hai tháng đầu năm 2022 doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt 978 tỉ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 2 ước đạt 29.995 tỉ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 9,6% so với cùng kỳ. Lũy kế hai tháng đầu năm ước đạt 58.746 tỉ đồng, giảm 16,8% so với cùng kỳ.

Singapore và Hàn Quốc chiếm 70% tổng vốn cấp mới vào TP.HCM 

Cũng theo Cục Thống Kê TP.HCM, về cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ ngày 1-1 đến ngày 20-2 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP là 232,2 triệu USD giảm 31,3% so với cùng kỳ (gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài).

Trong đó, cấp mới có 70 dự án với vốn đăng ký đạt 79,6 triệu USD, giảm 30,8% về vốn so với cùng kỳ.

Số vốn đăng ký chiếm tỷ trọng cao ở một trong số chín ngành kinh tế như: thông tin truyền thông có 17 dự án, vốn đạt 27,5 triệu USD (chiếm 34,5% vốn cấp mới); thương mại có 31 dự án, vốn đạt 21,8 triệu USD (chiếm 27,4%); công nghiệp chế biến, chế tạo một dự án, vốn đạt 6,2 triệu USD (chiếm 7,8%).

Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có số vốn đăng ký chiếm gần 70% tổng vốn cấp mới trong đó, Singapore 13 dự án, vốn đăng ký 34,4 triệu USD (chiếm 43,2%); Hàn Quốc sáu dự án, vốn đăng ký 20,7 triệu USD (chiếm 26%).

Số dự án đề nghị chấm dứt hoạt động đến ngày 20-2 là 24 dự án, với vốn đầu tư 34,4 triệu USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm