TP.HCM gỡ vướng để chi hỗ trợ đợt 3 cho 1,5 triệu dân

Chiều 26-11, Thường trực HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát đối với bốn sở LĐ-TB&XH, Y tế, Tài chính, TT&TT về việc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 và một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch.

Người dân phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM nhận hỗ trợ đợt 3.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Có nơi cán bộ tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở LĐ-TB&XH, cho biết trong đợt dịch lần thứ tư, TP.HCM đã chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết 97 của HĐND TP (gói hỗ trợ đợt 3) cho hơn 6,2 triệu người (đạt hơn 78%) trong tổng số hơn 7,9 triệu người mà UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phê duyệt.

Đến nay, nhiều quận, huyện đã chi trả tiền hỗ trợ cho người dân đạt tỉ lệ cao, như quận 5 đạt 100%, quận 10 đạt 99,9%. Tuy nhiên, một số quận, huyện đạt tỉ lệ thấp như huyện Bình Chánh chỉ mới chi hỗ trợ đạt 41,1%, quận Bình Tân mới đạt 49,2%.

Theo ông Cường, trong đợt chi hỗ trợ vừa qua, có 16.781 người từ chối nhận hỗ trợ. Tổng số người không đủ điều kiện hỗ trợ là 241.447. Nguyên nhân là do trùng tên; không thuộc đối tượng được hỗ trợ; đã nhận ở địa phương khác; bán nhà đi nơi khác, đã xuất cảnh, lập danh sách không thực tế với nơi cư trú.

Đặc biệt, toàn TP.HCM có hơn 1,48 triệu người chưa nhận được gói hỗ trợ. Lý giải về nguyên nhân, ông Cường cho rằng do địa phương thiếu kinh phí, người nhận đang đi cách ly, điều trị bệnh tại các cơ sở y tế nên không có mặt tại địa phương, không có giấy tờ tùy thân...

Trước báo cáo này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng qua giám sát trực tiếp tại các quận, huyện, đoàn giám sát phát hiện việc thống kê dân số chưa chặt chẽ, tỉ lệ chi trả hỗ trợ còn thấp, một số nơi chi chưa đúng số lượng thì thu hồi…

“Ý nghĩa của gói hỗ trợ là đến tay người dân lúc khó khăn, gian nan nhất nhưng đến nay người dân đã có việc làm, những khó khăn dần qua đi nên ý nghĩa sẽ không còn đầy đủ như trước” - ông Bình trăn trở.

Đối với hàng ngàn người từ chối nhận gói hỗ trợ, ông Bình cho rằng vẫn có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Dẫn chứng từ việc giám sát ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), ông Bình cho biết xảy ra trường hợp cán bộ tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn.

“Cán bộ cơ sở dẫn đoàn giám sát vào khu nhà nói có sáu phòng trọ từ chối nhận. Khi hỏi thì anh em nói nếu nhận gói hỗ trợ lần 3 thì sẽ không được nhận bảo hiểm thất nghiệp, vì gói hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cao hơn. Khi hỏi chủ tịch phường và Phòng LĐ-TB&XH chuyện này như thế nào thì các anh chị ấp úng” - ông Bình nói.

Đối với các trường hợp người dân chưa nhận được gói hỗ trợ do không có giấy tờ tùy thân, ông Bình cho rằng địa phương đừng nên quá cứng nhắc. “Có những người dân lên đây mưu sinh kiếm sống, làm mất CMND là nhất quyết không chi. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn thì tổ chi hỗ trợ đó có thể làm giấy cam kết và vẫn chi hỗ trợ cho người dân, sau này họ sẽ bổ sung hồ sơ” - ông Bình gợi ý.

Rà soát, kiến nghị với lãnh đạo TP để gỡ vướng

Giải trình về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Bảo Cường thừa nhận quá trình hỗ trợ có xảy ra thiếu sót, chi nhầm nhưng chưa phát hiện biểu hiện trục lợi, lợi dụng chính sách. Theo ông Cường, các gói hỗ trợ liên tục ra đời dẫn đến địa phương gặp rất nhiều khó khăn để xử lý các tình huống phát sinh, trong khi thời gian giải quyết yêu cầu phải rất nhanh, rất cấp bách.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng do ngân sách TP.HCM chuyển xuống chậm, trong khi ngân sách các quận, huyện và TP Thủ Đức hạn chế nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ trong công tác hỗ trợ.

Phát biểu kết thúc buổi giám sát, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách TP.HCM, đề nghị Sở LĐ-TB&XH cùng các sở tiếp thu các ý kiến của đại biểu, từ đó hoàn chỉnh báo cáo gửi Thường trực HĐND TP.HCM.

Riêng đối với Sở LĐ-TB&XH, ông Hiếu đề nghị tập trung rà soát lại một lần nữa các vướng mắc, tồn tại của việc chi hỗ trợ đợt 3, tập hợp tất cả kiến nghị của chính quyền cơ sở. “Nếu chính quyền cơ sở có những vấn đề chưa thông, chưa rõ thì phải hướng dẫn lại. Đồng thời tổng hợp các kiến nghị để kiến nghị với lãnh đạo UBND TP để sớm có chủ trương, quan điểm giải quyết” - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng đề nghị các sở cần có kế hoạch thực hiện việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong giai đoạn mới.•

 

Cùng tham gia chống dịch nhưng gói hỗ trợ
chênh lệch nhau

Liên quan đến gói hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết lúc đầu có trễ nhưng đến nay tất cả lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch đều đã được nhận hỗ trợ.

Các đơn vị thuộc Sở Y tế đã chi cho hơn 43.000 người với số tiền hỗ trợ hơn 294 tỉ đồng. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã phân bổ kinh phí cho các đơn vị trực thuộc để chi cho 42.600 người với hơn 83 tỉ đồng.

Trong khi đó, đại biểu Cao Thanh Bình đề nghị Sở Y tế TP.HCM quan tâm hơn đến chính sách cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch bởi đang có sự chênh lệch. “Tình nguyện viên là nhân viên y tế, cán bộ, giảng viên được Bộ Y tế điều động hoặc TP.HCM huy động cùng làm công việc trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhưng có mức chi hỗ trợ là 3 triệu đồng/người. Trong khi đó, y bác sĩ của TP.HCM trực tiếp tham gia được hỗ trợ 10 triệu đồng/người” - ông Bình thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm