TP.HCM: Hôm nay, dân trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú

(PLO)- Trong giai đoạn thí điểm, người dân đã đăng ký hộ tịch tại phường, xã trên địa bàn TP.HCM sẽ được trích lục bản sao hộ tịch tại bất kỳ UBND xã, phường nào của TP.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ hôm nay (15-6), TP.HCM sẽ chính thức triển khai thí điểm cấp trích lục bản sao một số loại giấy tờ hộ tịch mà không cần phụ thuộc vào nơi cư trú của người dân.

Đây là một bước quan trọng để TP thực hiện việc cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch theo Thông tư 01/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định 87/2020 về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Cấp cho người đã đăng ký hộ tịch tại TP.HCM

Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết TP đã hoàn thành giai đoạn 1 công tác số hóa sổ hộ tịch để triển khai cấp bản sao giấy tờ hộ tịch cho người dân không phụ thuộc vào nơi cư trú, nơi đăng ký hoặc nơi lưu giữ sổ hộ tịch giấy.

Cán bộ hộ tịch phường 22, quận Bình Thạnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Cán bộ hộ tịch phường 22, quận Bình Thạnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Bắt đầu từ ngày 15-6, TP sẽ thí điểm khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch với bốn loại giấy tờ gồm giấy đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con từ dữ liệu số hóa tại kho dữ liệu dùng chung của TP.

Theo ông Lưu, tại giai đoạn thí điểm, việc cấp trích lục sẽ căn cứ vào việc hộ tịch đã có đăng ký trước đó tại TP.HCM hay chưa.

“Người dân đã đăng ký hộ tịch tại phường, xã trên địa bàn TP.HCM sẽ được trích lục bản sao trong giai đoạn thí điểm. Trường hợp các giấy tờ hộ tịch được đăng ký tại địa phương khác thì người dân phải về nơi đăng ký hộ tịch, nơi cư trú để trích lục” - ông Lưu giải thích.

Về công tác triển khai thí điểm, ông Lưu cho biết cơ sở hạ tầng, nhân lực tại UBND các phường, quận đáp ứng với công tác số hóa và khai thác dữ liệu hộ tịch.

“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi mong nhận được ý kiến góp ý của các sở, ban ngành, quận huyện và của người dân đối với việc thực hiện thủ tục này để việc tổ chức triển khai đạt hiệu quả” - ông Lưu nói.

TP.HCM có gần 13 triệu hồ sơ hộ tịch về khai sinh, kết hôn, khai tử, nhận cha mẹ, con đã được số hóa để phục vụ người dân.

Tăng ca để hoàn thiện dữ liệu

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết những ngày qua người dân sinh sống tại đây đang rất quan tâm về thí điểm của TP, bởi phường 22 là địa bàn đông dân nhập cư của quận.

“Ngay sau khi được Sở Tư pháp tập huấn công tác triển khai thí điểm vào ngày 6-6, cán bộ tư pháp phường đã gấp rút tải dữ liệu hộ tịch vào kho dữ liệu dùng chung của TP. Do có nhiều hồ sơ, chưa quen với phần mềm mới và đồng thời phải giải quyết thủ tục trong ngày nên lực lượng tại phường phải làm thêm giờ vào buổi tối để đảm bảo đúng tiến độ” - bà Hằng chia sẻ.

Hiện phường 22, quận Bình Thạnh đã hoàn thành công tác tải dữ liệu hộ tịch với hơn 15.300 hồ sơ số hóa, sẵn sàng phục vụ người dân.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng tỏ ra lo ngại khi cán bộ hộ tịch phường chưa có nhiều kinh nghiệm “thực chiến” với công tác mới này.

“Nhìn chung, chúng tôi sẽ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân theo đúng thí điểm” - bà Hằng cho biết.

Tương tự, ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, cũng cho biết UBND phường 3 đã hoàn thành công tác chuyển dữ liệu hộ tịch vào phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp.

“Do cả TP đang đổ dữ liệu nên hệ thống bị quá tải dẫn đến thỉnh thoảng vẫn nghẽn mạng, công tác chuyển dữ liệu hộ tịch thỉnh thoảng vẫn gặp khó khăn” - ông Bình chia sẻ.

Cùng áp lực trên, ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho biết: “Việc chuyển dữ liệu gặp một số khó khăn nhất định do phần mềm chuyển dữ liệu thường xuyên bị lỗi, quá tải. Công chức tư pháp - hộ tịch phường chỉ có thể chuyển được trong khung giờ 17 giờ - 19 giờ, 1 giờ - 3 giờ, 6 giờ - 8 giờ nên phải tăng ca làm đêm”.

Dù nhiều áp lực nhưng việc chuyển dữ liệu tại đây đã hoàn thành với 16.950 hồ sơ hộ tịch được số hóa lên kho dữ liệu dùng chung của TP để phục vụ công tác cấp trích lục bản sao cho người dân.

Để thí điểm được hoàn thiện hơn

Để công tác cấp bản sao trích lục hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú được thực hiện đồng bộ trên toàn TP, đáp ứng nhu cầu của người dân, các tổ chức có liên quan cần tăng cường thực hiện việc chuyển toàn bộ dữ liệu hộ tịch trên phần mềm hộ tịch 158 vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch chính thức của
Bộ Tư pháp.

Đồng thời, công chức tư pháp - hộ tịch cần thường xuyên thực hành thao tác để hoàn thiện kỹ năng thực hành đối với các thủ tục này. Các phòng Tư pháp, UBND phường, xã cần hoàn thiện trang bị thiết bị máy tính, máy in, đường truyền…
tại bộ phận nhận các thủ tục này.

Ông TRẦN HOÀNG DŨNG, Phó Chủ tịch

UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân

Cần mở rộng mô hình hay trên cả nước

Việc khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch bước đầu mang lại lợi ích cho người dân có đăng ký hộ tịch tại TP. Tuy nhiên, TP.HCM có gần 50% dân số là người tạm trú, còn rất nhiều trường hợp giấy tờ hộ tịch được đăng ký ở địa phương khác.

Vì vậy, trong tương lai, khi hệ thống dữ liệu dân cư được hoàn thiện, TP.HCM và cả nước cần phải mở rộng hơn nữa mô hình này cho tất cả người dân các tỉnh, thành đều có thể khai thác, sử dụng thông tin hộ tịch, tạo sự thuận tiện cho người dân cả nước, giảm thời gian đi lại giải quyết thủ tục hành chính.

Ông NGÔ XUÂN BÌNH, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm