TP.HCM kêu gọi bác sĩ về hưu cùng chống dịch COVID-19

“Thứ Bảy tuần này đích thân tôi sẽ đi kiểm tra xem các quận, huyện chủ động ứng phó như thế nào trong từng tình huống, bởi hiện nay lây lan trong cộng đồng rất mạnh".
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 để nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP chiều 19-3.

Ông Phong đã lấy bài viết “Bệnh viện Italy gục ngã trước COVID-19” để đưa ra những kinh nghiệm và bài học trong chống dịch. Theo ông Phong, BV Papa Giovanni gồm 950 giường bệnh đang rơi vào khủng hoảng do COVID-19, khi hơn 400 giường đã được sử dụng cho các bệnh nhân nhiễm và 3/4 lãnh đạo cao cấp nhất của bệnh viện đã đổ bệnh.

Đội xe cấp cứu của bệnh viện cũng bị quá tải, thậm chí có người bị đau tim phải chờ điện thoại gần một giờ vì các đường dây đều bận.

TP.HCM kêu gọi bác sĩ về hưu cùng chống dịch COVID-19 ảnh 1
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HMC

“Người điều phối bộ phận cấp cứu của Papa Giovanni cho biết đội của ông nhận được 2.500 cuộc gọi mỗi ngày và đưa 1.500 người đến bệnh viện. Nhân viên cứu thương không được đào tạo để ứng phó với dịch bệnh như COVID-19 và nhiều người đã nhiễm bệnh từ xe của họ” - ông Phong nói về thực tế đang diễn ra ở Italy.

Theo ông Phong, một bác sĩ ở Italy đã tâm sự rằng điều thực sự gây sốc mà họ không thể dự đoán và khiến họ gục ngã là sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, tất cả bệnh viện đều phải chịu thua.
Từ đó, ông Phong cho rằng câu chuyện ở Italy như một lời cảnh báo, do đó ông Phong đề nghị các ngành các cấp không được phép chủ quan mà phải chủ động từ sớm.
Ông Phong đề nghị từ nay đến cuối tháng 3-2020 phải nắm được tổng số các chuyến bay đưa người Việt từ các vùng dịch trở về TP.HCM, trong đó bao nhiêu ở TP và bao nhiêu người ở địa phương khác.
Theo ông Phong, TP.HCM đã có phương án ứng phó nhưng tất cả 24 quận, huyện cũng phải có phương án ứng phó. “Thứ Bảy tuần này đích thân tôi sẽ đi kiểm tra xem các quận, huyện chủ động ứng phó như thế nào trong từng tình huống, bởi hiện nay lây lan trong cộng đồng rất mạnh” - ông Phong nói và cho rằng nếu chủ động được chúng ta sẽ yên lòng, còn nếu bị động chúng ta sẽ gục ngã như câu chuyện ở Italy.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị ngành y tế có kế hoạch cụ thể để kêu gọi, huy động sự tham gia của lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu.

Các đại biểu tại cuộc họp. Ảnh: HMC

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hai tuần sắp tới sẽ là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam. “Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp: Người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng” - ông Bỉnh nói.

Về kế hoạch cách ly, ông Bỉnh cho biết TP.HCM đã bắt tay triển khai đảm bảo gần 24.000 giường cách ly, trong đó quận huyện gần 800 giường. Các khu cách ly tập trung đã có ở tất cả các cửa ngõ TP.
“TP.HCM còn tính đến phương án chuyển tất cả bệnh nhân mắc bệnh khác COVID-19 từ BV Bệnh nhiệt đới TP đi nơi khác điều trị, dành toàn bộ bệnh viện này để chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đây là bệnh viện nằm trong nội ô, cũng là bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, phương án này là phương án sau cùng vì cách ly, điều trị trong nội ô là trường hợp bất khả kháng” - ông Bỉnh nhấn mạnh.
Liên quan đến chuyện cách ly có thu phí theo yêu cầu, ông Bỉnh cho hay hiện Sở Du lịch TP.HCM đã có hướng sử dụng các khách sạn. Trước mắt sẽ chọn những khách sạn ở ngoại ô như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi… Cách ly ở nội ô chỉ là phương án cuối cùng.
Về các phòng cách ly áp lực âm, ông Bỉnh cho biết hiện có ba công ty thi công cho TP dưới sự tài trợ của các đơn vị và của Nhà nước. Hiện nhiều nhà tài trợ cũng đồng thuận, có thể làm thêm 100 phòng. Cố gắng hết công suất của ba công ty thì một tuần làm được khoảng 20 phòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm