TP.HCM: Khơi điểm nghẽn bồi thường, dự án sẽ nhanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 27/2020 cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Với hành lang pháp lý này, kỳ vọng sẽ giải phóng được điểm nghẽn lâu nay đối với các dự án đầu tư vì lợi ích công cộng.

Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng bồi thường

Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, TP.HCM dự kiến triển khai xây dựng 172 dự án giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 320.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khả năng hoàn thành chỉ tiêu trên là không cao. Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm của TP bị trễ tiến độ hoặc đội vốn như dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, hầm chui An Sương, đường vành đai 2… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tuyến metro số 1 được phê duyệt vào năm 2007 với tổng mức đầu tư 17.388 tỉ đồng và được điều chỉnh lại hơn 47.325 tỉ đồng vào năm 2011. Ban đầu, TP dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ hoàn thành hơn 80% khối lượng dự án, dự kiến đến cuối năm 2021 mới hoàn thành.

Tương tự, tuyến metro số 2 được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 26.000 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 48.000 tỉ đồng. Sau 10 năm triển khai, đến nay TP vẫn chưa có 100% mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Mới đây, tại cuộc họp giao ban giữa Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND TP với thường trực các quận, huyện ủy (ngày 12-3), lãnh đạo TP quyết tâm đến tháng 6-2020 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án. Hay như dự án đường vành đai 2 (có bốn đoạn), hiện ba đoạn TP đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý để trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư. Riêng đoạn số 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu Gò Dưa, quận Thủ Đức được khởi công vào tháng 12-2017 đến nay đã ba năm nhưng diện tích bàn giao mặt bằng để thi công mới đạt khoảng 54%.

Chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu, TP.HCM quyết tâm hoàn thành tuyến metro số 1 vào cuối năm 2021. Trong ảnh: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi qua nút giao thông Cát Lái (quận 2). Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lâu nay phần lớn các dự án đầu tư hạ tầng đều chậm hoàn thành so với kế hoạch. Đa phần đều bị kẹt ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. “Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án, làm mất chi phí cơ hội, trượt giá, vừa thiệt hại cho TP vừa thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến đời sống của người dân liên quan đến dự án” - ông Châu đánh giá.

Từ năm 2018, để tháo gỡ nút thắt về bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế rút ngắn quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án.

Gỡ nút thắt bằng cơ chế đặc thù

Chấp thuận theo đề nghị của TP.HCM, Chính phủ giao TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. “Việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất này không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất” - Nghị quyết 27 nêu rõ.

Thông qua Nghị quyết 27, Chính phủ cho phép TP được quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Đồng thời, TP có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn TP, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Chính phủ vừa cho phép TP.HCM cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP. Đây sẽ là cơ hội để TP đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nêu trên.

(Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói tại buổi họp giao ban trực tuyến giữa Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực UBND TP với thường trực quận/huyện ủy ngày 12-3) 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở này đang chuẩn bị dự thảo kế hoạch thực hiện nghị quyết. Theo ông Thắng, hiện cơ quan này đang lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện, sau đó tổng hợp, điều chỉnh và trình TP xem xét, quyết định ban hành.

Giám đốc Sở TN&MT thông tin theo quy định hiện hành, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt hệ số giá điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của một dự án phải qua 10 bước. Thời gian để thực hiện là sau 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày với đất ở. Ông Thắng cho biết thời gian thực hiện thường kéo dài, gây chậm trễ tiến độ của dự án.

Theo ông Thắng, so với quy trình trước đây, cơ chế, quy trình đặc thù sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ. “Nếu thực hiện tốt thì công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có thu hồi đất trên địa bàn TP sẽ rút ngắn, việc triển khai dự án nhanh hơn, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, giảm phát sinh kinh phí do chậm tiến độ” - ông Thắng chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin tại cuộc họp giao ban nêu trên, TP đã đưa ra danh sách 136 dự án trọng điểm thực hiện từ năm 2020 với tổng mức đầu tư lên đến 315.000 tỉ đồng. Trong đó năm 2020, TP phấn đấu hoàn thành 37 dự án với số tổng mức đầu tư gần 40.000 tỉ đồng.

Tin rất đáng mừng

Việc Chính phủ cho phép TP được áp dụng cơ chế đặc thù sẽ là tin rất đáng mừng cho TP để tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Hai vấn đề lớn TP phải tính, một là phải nghiên cứu ban hành hệ số K làm sao để chính sách bồi thường cho dân thật thỏa đáng. Thứ hai là tính toán và chuẩn bị thật tốt khâu tái định cư, tạm cư cho dân để tạo sự đồng thuận cao với người bị thu hồi đất. Có sự đồng thuận thì việc thực hiện dự án mới triển khai nhanh được.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm