TP.HCM kiến nghị cho học sinh F0 được thi tốt nghiệp THPT

(PLO)- Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thu hút nhiều ý kiến góp ý, kiến nghị tại buổi làm việc. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-4, đoàn của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về các vấn đề giáo dục, đào tạo của TP.HCM.

Trước buổi họp này, đoàn đã trực tiếp đi thăm, nắm tình hình và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn như Trường ĐH Văn Lang (Bình Thạnh), Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và Trường TH-THCS-THPT Bắc Mỹ (huyện Bình Chánh).

Theo báo cáo của ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, TP.HCM hiện có 2.366 trường học. Trong đó mầm non có 1.351 trường, tiểu học có 514 trường, THCS có 286 trường, THPT có 204 trường. TP.HCM có 269 trường là trường chuẩn quốc gia.

Toàn TP có hơn 1,61 triệu học sinh và hơn 77.000 giáo viên. Ngoài ra, TP hiện có 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 1.450 trung tâm ngoại ngữ tin học, 310 trung tâm học tập cộng đồng tại 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Toàn TP có 51 cơ sở giáo dục đại học và ĐH Quốc gia TP.HCM, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với hơn 600.000 sinh viên.

Thời gian qua TP.HCM, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp và gây tổn thất nặng nề về mọi mặt nhưng TP đã cố gắng hoàn thành mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học. Sử dụng mọi nguồn lực để đảm bảo duy trì dạy và học cho học sinh.

Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tính đến hết năm 2021 TP đã hoàn thành công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có 945 giáo viên cốt cán và 100 % giáo viên đại trà ở các cấp học.

TP.HCM đã thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.

TP.HCM cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học quản lý giáo dục, đẩy mạnh cải cách hành chính vì giáo dục đào tạo đồng thời tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng và các hoạt động tạo hoạt động đào tạo.

Theo ông Đức, TP.HCM cũng đã đặt ra chín mục tiêu từ nay đến năm 2025 và các giải pháp cụ thể để thực hiện. Cụ thể như đến năm 2025, TP phấn đấu đạt 300 phòng học/một vạn dân trong độ tuổi đi học. Đến năm 2025, 80% trường tiểu học, 60% trường THCS và 80% trường THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, 90% trẻ từ ba tuổi được học mẫu giáo; 99,8% người dân tại TP.HCM trong độ tuổi 19 đến 60 biết chữ; 90% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, 95% giáo viên tiểu học, THCS và 100% giáo viên THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên….

Đoàn Bộ GD&ĐT đang làm việc với lãnh đạo TP.HCM và các ban ngành để tháo gỡ các khó khăn về giáo dục tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Đoàn Bộ GD&ĐT đang làm việc với lãnh đạo TP.HCM và các ban ngành để tháo gỡ các khó khăn về giáo dục tại TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Tuy nhiên, ông Đức cũng nêu ra nhiều khó khăn, hạn chế của TP làm ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục của TP. Do đó, TP.HCM nêu ra 21 kiến nghị, đề xuất gửi đến Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan.

Các nội dung kiến nghị xoay quanh việc cần điều chỉnh nhiều văn bản, quy định về xây dựng trường lớp, định mức vị trí việc làm, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên... sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại TP.HCM.

Trong đó, đối với kỳ thi THPT năm nay, ông Đức kiến nghị Bộ GD&ĐT đồng ý chủ trương và có hướng dẫn cho học sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định) tham gia kỳ thi. Các điểm thi bố trí phòng thi riêng, thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống dịch, cử cán bộ giám sát, cán bộ coi thi đảm bảo đúng quy định.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, ông Đức kiến nghị cho phép Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên đặc thù như tin học, một nghệ thuật (như âm nhạc mĩ thuật) để đào tạo các giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn TP. Đồng thời cho phép Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình hai theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Đức cũng cho rằng Bộ GD&ĐT cần ban hành các văn bản chỉ đạo thống nhất trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các thông tư điều chỉnh theo Luật giáo dục 2019, liên quan đến chế độ chính sách chương trình dạy học, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là đánh giá hết cấp học, nội dung, hình thức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục 2018

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng kiến nghị trong năm học tới sẽ áp dụng chương trình mới lớp 10, đáng chú ý trong đó là học sinh được tự chọn các môn học. Do đó, Bộ cần có thông tin lộ trình cụ thể về đầu ra cho lớp 12 theo chương trình mới này để các trường có kế hoạch tổ chức dạy học cho học sinh. Phụ huynh, học sinh cũng yên tâm và theo học các môn lựa chọn theo hướng chuyên sâu.

Về chương trình mới này, ông Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết: môn Lịch sử đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Dù môn học này theo chủ trương là môn tự chọn cho học sinh để định hướng chuyên sâu ở THPT chứ không phải bỏ hẳn. Vì vậy, với những thông tin này, ông kiến nghị Bộ GD&ĐT cần chủ động có ý kiến sớm và rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu để tránh dẫn đến những ý kiến bức xúc, lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, làm ảnh hưởng đến tổ chức dạy học ở các trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm