TP.HCM kiến nghị liên quan đến cách ly có trả phí

Chiều 6-4, tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM đã kiến nghị 3 nội dung.

Đề nghị miễn hoặc giảm mức phí giao hàng tại nhà

Thứ nhất, Chỉ thị 16 của Thủ tướng quy định không tụ tập quá 2 người ngoài phạm vi trường học, công sở, bệnh viện và nơi công cộng.
Để thực hiện nghiêm chỉ đạo này thì Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông làm việc với chủ các các ứng dụng trực tuyến lớn như: Grab, TiKi, Now, Lazada... đề nghị miễn hoặc giảm mức phí giao hàng tại nhà, đẩy nhanh giao hàng nhanh trong vòng 1-2 giờ để hạn chế tối đa việc người dân ra khỏi nhà mua sắm hàng hóa.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị 3 vấn đề lớn. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Thứ hai, tuy công tác chống dịch đạt kết quả bước đầu nhưng sẽ còn nhiều thách thức, không loại trừ việc mất dấu những ca nhiễm bệnh (F0) như khuyến cáo của các chuyên gia.

Do đó để TP.HCM chủ động trong công tác phòng chống dịch, chuẩn bị đẩy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân, kiến nghị Chính phủ ban hành danh mục các hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa liên quan đến công tác phòng chống dịch để hạn chế hoặc cấm xuất khẩu.

Thứ ba, từ thực tế vừa qua một số người dân TP.HCM đến các địa phương khác bị cách ly 14 ngày và phải trả phí, ông Phong kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong công tác phòng chống dịch và chỉ đạo thống nhất trong cả nước về cách ly khi di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác.
“TP.HCM cam kết nỗ lực ở mức cao nhất để chung tay cùng cả nước để đẩy lùi dịch COVID-19” – ông Phong nói.
Trước đó, hôm 4-4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Công văn về việc cách ly y tế người đến từ địa phương có dịch để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chỉ đạo tổ chức cách ly y tế tập trung có thu phí đối với công dân đến từ Hà Nội, TP.HCM từ ngày 5-4.

Ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết từ ngày 4-4 đến nay, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch. Trong đó TP đã triển khai thành lập đội công nghệ để phòng chống dịch, theo dõi hành trình của người mắc, người nghi ngờ, ứng dụng công nghệ để khám chữa bệnh từ xa và triển khai giao thuốc tại nhà.
TP.HCM đã triển khai 62 chốt kiểm dịch để phòng chống dịch COVID-19. Người dân có nhu cầu ra vào TP vẫn lưu thông bình thường sau khi đươc kiểm tra về y tế. Tại các chốt kiểm dịch cho thấy hầu hết người dân đều chấp hành và đồng tình với việc kiểm soát y tế, ghi nhận 8 trường hợp sốt và tổ chức giám sát y tế theo quy định.
Đặc biệt, từ ngày 6-4, TP.HCM đã ban hành bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp với 10 chỉ số thành phần.
Đó là các chỉ số: Số lượng công nhân đang làm việc tập trung; mật độ người làm việc tại các phân xưởng; người lao động sát khuẩn trước khi ra - vào công xưởng; tỷ lệ công nhân đeo khẩu trang lúc làm việc; tỷ lệ công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào công xưởng; số người ăn tại nhà ăn; số công nhân đi làm bằng xe đưa đón; số khu vực, địa điểm trả - đón công nhân; công ty phát khẩu trang cho công nhân; ca làm đêm…
Mỗi chỉ số thành phần đều có điểm số để doanh nghiệp tự đánh giá và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP sẽ giám sát chỉ số rủi ro lây nhiễm của doanh nghiệp.
Ví dụ như nếu chỉ số rủi ro lây nhiễm từ 80%-100% thì doanh nghiệp đó phải ngừng sản xuất, từ 50%-80% thì doanh nghiệp phải có giải pháp để giảm rủi ro mới được sản xuất, chỉ số 30-50% thì doanh nghiệp có thể sản xuất với điều kiện không có chỉ số thành phần từ 7 điểm trở lên.
Chỉ số rủi ro lây nhiễm dưới 30% thì doanh nghiệp được sản xuất với điều kiện phải kiểm tra định kỳ và khắc phục các hạn chế đối với chỉ số thành phần cao nhất. Chỉ số rủi ro lây nhiễm 10%, tức rất ít rủi ro thì doanh nghiệp được sản xuất bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm