TP.HCM lắp đặt thêm camera giám sát chất lượng vệ sinh môi trường

Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực tài nguyên môi trường năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022. Theo đó, sở đã thực hiện được nhiều chương trình để kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

Xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, trong năm 2021, TP đã đạt được một số kết quả khả quan.

Trong đó có thể kể đến phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thêm 316 cuộc đối thoại và vận động thêm 16.706 hộ dân ký cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch.

Hệ thống tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân tiếp tục triển khai với nhiều phương thức đa dạng, linh hoạt đã tiếp nhận và giải quyết thêm 6.477/6.504 ý kiến phản ánh về môi trường, trật tự xây dựng (đạt tỉ lệ 99,6%).

TP.HCM cũng lắp đặt thêm 942 thùng rác công cộng; giám sát, phát hiện và giải quyết thêm 19/19 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, chuyển hóa thêm 20 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, TP cũng đã lắp đặt thêm 583 camera an ninh trật tự kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị khu dân cư.

Bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) được phủ xanh.
Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực môi trường được triển khai thường xuyên. Trong chín tháng đầu năm 2021 ghi nhận đã nhắc nhở 1.820 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.326 trường hợp với tổng số tiền xử phạt khoảng 2,1 tỉ đồng.

Sở TN&MT đã hướng dẫn cho UBND cấp huyện triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới. Sở cũng đang dự thảo Đề án về các chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

UBND cấp huyện tiếp tục sắp xếp, vận động thêm 84 đường dây thu gom rác dân lập vào các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (tỉ lệ chuyển đổi rác dân lập đến nay đạt 92,8%), chuyển đổi thêm 389 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Xem xét cải tạo bãi rác thành khu du lịch sinh thái

Liên quan đến vấn đề cải tạo, xử lý hai bãi chôn lấp rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) và Gò Cát (quận Bình Tân), Giám đốc Sở TN&MT thông tin sở đã thông báo rộng rãi để kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, có kinh nghiệm đề xuất phương án cải tạo, xử lý hai bãi rác này. Đến nay, sở đã nhận hồ sơ đề xuất của nhiều công ty liên quan.

Qua xem xét các đề xuất, sở nhận thấy phương án cải tạo, xử lý bãi rác của các công ty khá đa dạng. Trong đó bao gồm cải tạo mặt bằng để xây dựng công viên khoa học, khu du lịch sinh thái; tạo quỹ đất sạch để hình thành khu vực đô thị mới hoặc xây dựng nhà máy đốt phát điện… hình thức thu hồi vốn được đa số nhà đầu tư đưa ra là sử dụng quỹ đất sạch sau xử lý để phát triển khu đô thị.

Tuy nhiên, việc xác định hình thức thu hồi vốn của các dự án đầu tư có liên quan đến quỹ đất sạch sau khi cải tạo các bãi rác đang được TP cân nhắc, xem xét. Sở TN&MT sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để làm việc thêm với các nhà đầu tư khác. Cùng với đó, sở sẽ đánh giá đề xuất của các công ty nêu trên để đề xuất UBND TP phương án xử lý ô nhiễm tại hai bãi chôn lấp trong khi chờ xem xét, điều chỉnh quy hoạch.

TP tiếp tục đầu tư các trang thiết bị thu gom rác

Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong năm 2022, sở sẽ theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đồng thời thực hiện mô hình, đầu tư đồng bộ các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, khép kín, đạt tiêu chuẩn môi trường do TP ban hành.

Bên cạnh đó, sở sẽ theo dõi việc đầu tư xây dựng các nhà máy chuyển đổi công nghệ; tiếp tục triển khai nhóm giải pháp xử lý chất thải rắn theo định hướng tăng cường xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế. Mục tiêu đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.

Sở cũng sẽ tiếp tục thực hiện giám sát công tác quan trắc, chất lượng các thành phần môi trường định kỳ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP. Tiếp tục kết nối dữ liệu quan trắc tự động liên tục của các nguồn thải lớn trên địa bàn và thực hiện truyền dữ liệu về Sở TN&MT, đánh giá kết quả quan trắc nước thải, khí thải.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm